Luật Cạnh tranh: 10 năm vẫn khó vận dụng
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2005-2014, Cục đã tiến hành điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc liên quan đến các hành vi thỏa thuận liên kết và lạm dụng vị trí chi phối thị trường, trong đó tổ chức điều tra 8 vụ, ra quyết định xử lý 5 vụ với tiền phạt gần 5,5 tỷ đồng; tiến hành tham vấn tập trung kinh tế 54 vụ việc và thông báo tập trung kinh tế 23 vụ việc; quyết định điều tra 137 vụ việc trong lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh và ban hành 127 quyết định xử phạt…
Tuy nhiên, số vụ việc liên quan đến quản lý cạnh tranh theo thống kê trên được đánh giá là quá ít, bởi trong 10 năm qua Luật Cạnh tranh đã được đưa vào thực thi rộng rãi. Chưa kể, Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia đưa luật vào thực thi sớm nhất tại thị trường châu Á, nhưng so với nhiều nước thì số lượng vụ việc đưa ra xử lý còn thấp.
Vinapco đã từng bị phạt vì lợi dụng vị trí độc quyền |
Thực tế này cho thấy, công cụ sắc bén để bảo vệ DN yếu thế hơn trước các hành vi phản cạnh tranh vẫn chưa được tận dụng. Nhiều DN cũng như luật sư cho đến nay vẫn loay hoay không biết phải áp dụng một số quy định trong luật này như thế nào, trong nhiều trường hợp cụ thể.
Đơn cử một rắc rối điển hình mà tới 10 năm qua DN cũng như giới luật sư khi đối mặt là “như gà mắc tóc”. Đó là “ngưỡng 30% thị phần” mà cơ quan quản lý đặt ra, buộc DN phải xác định đối thủ có vượt ngưỡng này không, qua đó mới ra đề xuất điều tra vụ việc liên quan đến các hoạt động phản cạnh tranh của đối thủ.
Theo quy định, thị phần của DN đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu bán ra của DN này với tổng doanh thu của tất cả DN kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan. Yếu tố thị phần có vai trò quyết định trong việc xác định DN có vi phạm luật cạnh tranh hay không. Việc xác định tất cả các hành vi vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, tập trung kinh tế... đều dựa trên tính toán thị phần.
Thực tế là Nghị định 116 hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh cũng đã dành hẳn một chương hướng dẫn xác định thị trường sản phẩm liên quan, song các nguồn thông tin thể hiện trong văn bản luật còn hiếm, lại không được công khai một cách chính thống.
Việc xác định thị trường sản phẩm liên quan càng phức tạp đối với trường hợp DN cung cấp sản phẩm là một chuỗi các dịch vụ nối tiếp như du lịch (gồm ăn, ở, vận chuyển, tham quan…). Thậm chí, chính cơ quan thống kê còn gặp khó khăn trong vấn đề này chứ chưa nói đến DN. Do đó trong nhiều trường hợp, quy định này khiến DN nản lòng ngay từ những bước khởi động kiện phản cạnh tranh.
Bà Nguyễn Bích Ngọc, luật sư Công ty Luật Freshfields cho biết, quy định về hàng hoá thay thế trong luật cũng gây nhiều khó khăn khi xác định. Cụ thể là do quy định chung chung dẫn đến DN nhìn nhận theo cách khác với cơ quan quản lý Nhà nước, gây ra sự “vênh” trong hiểu biết về vấn đề này giữa hai bên.
Do đó, bà Ngọc đề xuất nên chăng đi theo xu hướng chung của thế giới là không còn quản lý tập trung kinh tế bằng thị phần nữa mà quản lý bằng doanh thu, hoặc bằng tổng tài sản của DN… Nếu các chỉ số này ở trên mức quy định thì DN phải có nghĩa vụ báo cáo tập trung kinh tế.
Bà Ngọc quả quyết, không có cách thức nào chính xác tuyệt đối để xác định thị phần, vì vậy luật nên xem thị phần chỉ là một trong các yếu tố chứ không mang tính quyết định để xác định hành vi của DN có gây hại đến cạnh tranh hay không. Bà cũng nhấn mạnh, quy định này nếu được sửa sẽ là thay đổi rất lớn về chính sách, song cũng rất cần thiết để luật không còn làm khó DN như hiện nay. Bởi giới luật sư rất quan ngại chính sự thiếu hoàn chỉnh của luật mới là rào cản đối với DN khi muốn sử dụng công cụ này.
Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp lý và Chính sách, Văn phòng đại diện Công ty Bower Group Asia tại Việt Nam nhìn nhận, dường như luật khi xây dựng không dựa trên nền tảng chính sách cạnh tranh, theo hướng Nhà nước có nhu cầu khuyến khích cạnh tranh đến đâu thì đề ra quy định pháp luật để cụ thể hoá đến đó.
“Chúng ta xây dựng luật chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của các nhà đàm phán FTA, nhằm trưng ra cho thế giới thấy Việt Nam có môi trường pháp lý đảm bảo tính cạnh tranh, thay vì xuất phát từ nhu cầu nội tại để vận hành nền kinh tế”, ông Phước nói.
Đồng thời ông khuyến nghị, luật phải có sự khuyến khích DN gia nhập ngành và tạo sức ép lên các DN hiện có để không ngừng cải thiện hoạt động. Đồng thời, chính sách cũng phải giới hạn và quy định rõ trường hợp nào Nhà nước được quyền can thiệp vào thị trường, tránh tình trạng cơ quan quản lý thời gian qua ban hành nhiều quy định can thiệp quá sâu làm méo mó thị trường.