Đối trọng để doanh nghiệp cạnh tranh
Liên kết để nâng tầm hoạt động | |
Liên kết để nâng cao sức cạnh tranh | |
Việt Nam, Mỹ ký thoả thuận về thuế chống bán phá giá tôm |
Tuy nhiên, các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu cũng ngày càng nhiều, gây khó khăn, thiệt hại cho DN. Trước tình thế như vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh sự chủ động đối phó của DN thì rất cần vai trò hỗ trợ của các hiệp hội, cơ quan Chính phủ…
Con tôm Việt đã giành phần thắng trong vụ kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ |
Gia tăng kiện chống bán phá giá
Câu chuyện về tôm Việt sang Mỹ là một ví dụ. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng, trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt kim ngạch 364,8 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên mới đây, Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, mức thuế áp dụng cao gấp gần 5 lần so với lần thứ 9.
Với mức thuế chống bán phá giá mà DOC vừa công bố, sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ chịu mức thuế cao gấp 2-3 lần so với tôm Thái Lan, Ấn Độ. Điều này gây nhiều bất lợi đối với các DN Việt Nam và ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tôm trong nước.
Trong một lĩnh vực khác, ngày 27/9/2016, một số DN sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới DOC đối với sản phẩm thép cán nguội (cold rolled steel - CRS) nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.
Còn tại các thị trường khác, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng phải chịu thuế suất cao với lý do chống bán phá giá. Chẳng hạn như, ngày 14/9/2016, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đăng công báo số L245/16 thực thi Quy định 2016/1647 về kết luận cuối cùng vụ việc rà soát áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da của một số DN xuất khẩu Việt Nam.
Tương tự, Ủy ban Chống phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mặt hàng nhập khẩu ống thép không gỉ từ Việt Nam với mức thuế 310,74%...
Các ví dụ trên cũng cho thấy, các vụ điều tra chống bán phá giá ngày càng gia tăng về tần suất, đa dạng về mặt hàng... Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có tới gần 100 vụ kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, kiện tự vệ đối với hàng hóa và DN Việt Nam ở thị trường nước ngoài, trong đó có gần 50 vụ Việt Nam thua kiện và chịu áp đặt thuế suất cao của nước nhập khẩu. Những mặt hàng của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trên các thị trường là thép, tôn, cá tra, sợi, gỗ, pin khô AA, săm lốp...
Hợp tác để đấu tranh
Ngày 18/7/2016, tại Washington (Hoa Kỳ), Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thoả thuận với DOC và đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là vụ DS404 và DS429 (Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm của Việt Nam).
Sự kiện nêu trên đã chấm dứt 8 năm Việt Nam khởi động và theo đuổi một vụ tranh chấp thương mại đầu tiên tại WTO. Trước đó, DOC đã khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam và chính thức ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số DN xuất khẩu tôm đã phối hợp triển khai theo đuổi vụ kiện. Kết quả là đã giành phần thắng.
Nhìn nhận về chiến thắng này, đại sứ đại diện phái đoàn Việt Nam tại Geneva Nguyễn Trung Thành cho rằng, thỏa thuận song phương về giải quyết vụ kiện là kết quả của một quá trình đấu tranh và cả hợp tác bền bỉ, kiên trì; kết quả của những trao đổi thẳng thắn, xây dựng và có thiện chí, đáp ứng được sự trông đợi của hai bên. Đặc biệt, nó đã giúp khai thông được dòng hàng hóa của Việt Nam, nhất là tôm đông lạnh, sang Mỹ trong thời gian tới.
Về thắng lợi này, các chuyên gia khuyến nghị DN xuất khẩu Việt Nam cần chủ động, tích cực và đặt ra các phương án giải quyết, đấu tranh đem lại lợi ích chính đáng cho DN mình trong các cuộc điều tra chống bán phá giá.
Bởi trên thực tế, một số DN Việt Nam đã đấu tranh và giành phần thắng trong các vụ kiện loại này, nhưng con số vẫn còn quá ít ỏi. Thống kê kết quả các vụ điều tra chống phá giá trong những năm gần đây cho thấy tỷ lệ thành công trong kháng kiện chống phá giá vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 20%.
Cụ thể, các DN cần tìm hiểu bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp khi có tình huống kiện tụng xảy ra. Đồng thời, bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo theo đuổi vụ kiện thì các DN nên có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), VCCI và các hiệp hội ngành hàng để có các thông tin cập nhật, kinh nghiệm cũng như phương hướng xử lý vụ việc.