M&A ngân hàng: Đâu có dễ!
Có thể giải thể hoặc cho phá sản TCTD yếu kém | |
Nhiều kỳ vọng cho M&A ngân hàng năm 2017 | |
VVF chính thức sáp nhập vào SHB |
Sẽ có thêm những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) khi ngành NH thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020. Bởi hoạt động M&A là một trong những xu hướng để các TCTD nương tựa, cùng gỡ khó cho nhau. Và giá trị cộng hưởng mang lại từ mỗi thương vụ M&A sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của NH hiệu quả hơn, giá trị doanh nghiệp sau M&A cũng được nâng cao. Mặt tích cực là thế, song không phải là không có vướng mắc. Bên cạnh những thương vụ đã và đang hoàn tất, cũng có không ít những thương vụ bất thành và cả những thương vụ... “chưa biết đi đâu về đâu”.
M&A NH cần có những chiến lược và kế hoạch chi tiết, phù hợp |
Lấy đơn cử trường hợp của VietinBank và PGBank. Ngày 14/4/2015, cổ đông của cả hai NH này đã bỏ phiếu đồng ý thông qua việc sáp nhập hai NH với nhau và dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn thành trong quý III/2015. Nhưng cho đến thời điểm này, sau hai năm, việc sáp nhập vẫn chưa thể tiến hành. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của VietinBank hôm 17/4, báo cáo của Ban Kiểm soát VietinBank cũng đề cập: đối với việc giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank, HĐQT đã triển khai các công việc, thủ tục cần thiết theo yêu cầu và hướng dẫn của các cơ quan quản lý.
Năm 2016, VietinBank cũng đã hoàn tất các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và trình NHNN. Tuy nhiên sau khi xem xét, NHNN đã tiếp tục yêu cầu VietinBank thực hiện rà soát, cập nhật lại kết quả định giá cổ phiếu PGBank, tính toán và đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa VietinBank và PGBank.
Vướng mắc về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khiến tiến trình sáp nhập PGBank và VietinBank bị kéo dài cũng là vấn đề nóng được đề cập tại Đại hội đồng cổ đông của PGBank tổ chức sau VietinBank ba ngày. Trước đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai NH dự định ban đầu là 1:0,9 (một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu CTG của VietinBank). Với tỷ lệ này, cổ đông bên nào cũng cho rằng mình phải chịu thiệt.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở VietinBank là 64,5%, PGBank là 40%. Một chuyên gia tài chính cho rằng, việc M&A của hai nhà băng này vướng mắc cũng không quá khó hiểu. “Có yếu tố nhà nước, cần sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan nên quan trọng là phải tính toán tỷ lệ hoán đổi phù hợp với lợi ích của nhà nước và cổ đông”, vị này chia sẻ.
Cũng có ý kiến cho rằng, thương vụ PGBank sáp nhập vào VietinBank chưa chắc đã được toại nguyện. Vì hiện theo sự phân công của NHNN, VietinBank đang tiếp nhận quản lý, điều hành hai NH OceanBank và GP.Bank - hai trong số ba NH bị NHNN mua bắt buộc. Lãnh đạo một NHTMCP lại nhận thấy: việc sáp nhập PGBank vào VietinBank chưa chắc sẽ khiến VietinBank thêm nặng gánh. Bởi sau khi sáp nhập, VietinBank sẽ tận dụng được mạng lưới cơ sở của PGBank thêm cơ hội bán chéo sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh mảng NH bán lẻ, lượng khách hàng cũng tăng lên...
Không chỉ ở việc tăng vốn, mở rộng mạng lưới, hay nâng cao tiềm lực tài chính, muốn M&A được các bên còn phải giải quyết những tồn tại, nâng cao năng lực quản trị để hài hoà giữa hai nền văn hoá, tư duy, thành phần lãnh đạo của hai định chế tài chính. Các chuyên gia cho rằng, M&A lý tưởng nhất là được dựa trên cơ sở sáp nhập một cách tự nguyện.
Đồng ý với việc NHNN phải đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ M&A, nhưng điều cốt lõi và quan trọng hơn là việc các NH tìm được đối tác phù hợp cho mình. “Việc NHNN chỉ đạo, NHTM đặt đâu ngồi đó cũng sẽ phần nào cơ bản giải quyết được vấn đề. Nhưng nếu xét dưới cái nhìn lâu dài thì chưa đúng tính chất M&A là trở thành NH mạnh hơn từ hai tổ chức tín dụng”- một chuyên gia cho hay.
Theo ông Phạm Hồng Hải, CEO của HSBC, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình tái cơ cấu là rất quan trọng. Thống đốc cũng đã đưa ra một thông điệp rõ ràng là các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Hải, đa phần các NH toàn cầu, các NH trong khu vực hiện nay đã phải tuân thủ theo Basel III - theo chuẩn mực mới cao hơn rất nhiều nên khả năng họ tham gia vào chiến lược tại các NH Việt sẽ không còn nhiều như trước đây nữa. “Chúng ta cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài. Với tỷ lệ thấp, đa phần các NĐT nước ngoài sẽ không có nhiều mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu”, CEO này cho biết.
Không quá chú trọng vào việc tìm kiếm cuộc “hôn nhân” có yếu tố nước ngoài, lãnh đạo một NHTM cho biết, có nhiều tổ chức, các quỹ đầu tư sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu NH. Họ cũng sẵn sàng mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn uy tín cùng tham gia để tái cơ cấu NH, TCTD trong nước; nâng cấp hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro chứ không nhất thiết phải làm việc với các định chế tài chính quốc tế có quy mô lớn mới đạt được mục tiêu này...