“Ma trận” điều kiện kinh doanh
Cần những đột phá điều kiện kinh doanh
Trong những năm qua, ngành in, gia công sau in của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong số ít ngành đã gia nhập được chuỗi cung cấp cho các tập đoàn quốc tế lớn như Canon, SamSung, Intel… Lý do chính để các DN ngành in ở Việt Nam phát triển được như vậy là nhờ việc bãi bỏ các giấy phép trong ngành in. Nhưng cũng chính vì vậy mà hầu hết các DN trong ngành này đã tỏ ra rất ngỡ ngàng, bức xúc và không đồng tình khi Nghị định 60/2014 về các điều kiện hoạt động của ngành in được ban hành.
Theo đó, bên cạnh việc phải có hợp đồng in theo quy định của pháp luật hoặc phiếu đặt in theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định giữa cơ sở in với cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in thì các cơ sở in chỉ nhận được chế bản, in, gia công sau in khi họ cung cấp được đầy đủ hàng loạt giấy tờ như: Bản mẫu của sản phẩm đã được đóng dấu hoặc chữ ký của tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in; các giấy tờ liên quan đến sản phẩm nhận in…
Càng nhiều quy định thì môi trường kinh doanh càng phức tạp, DN thêm nản |
“Một DN ngành in muốn nhập khẩu máy cắt giấy cũng phải xin phép tận ngoài Hà Nội và người ta tính toán phải mất 35 - 40 ngày mới xong. Tại sao phải có giấy phép ấy và người ta đặt ra câu hỏi ai được hưởng lợi từ việc cấp phép này?” – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết. Như vậy, mặc dù thành tích lớn của chúng ta trong thời gian qua là bãi bỏ được rất nhiều giấy phép nhưng với việc một giấy phép nhưng kèm rất nhiều điều kiện thậm chí khó hơn như vậy được khôi phục một cách dễ dàng khiến cho các DN rất nản.
Một ví dụ khác là điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong xuất khẩu gạo. DN muốn được xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung (thị trường có hợp đồng giữa các Chính phủ) phải được chỉ định. Trong đó, một trong những tiêu chí đặt ra là phải có “thành tích xuất khẩu” trong hai năm gần nhất. “Người ta đã không được làm thì lấy đâu mà có thành tích xuất khẩu. Đặt ra điều kiện như vậy khác nào đánh đố DN” – một chuyên gia đã đưa ra nhận xét.
Chính những quy định về ĐKKD đầy bất cập như vậy có thể làm cho những DN đang đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu gạo rất “vui” vì vô hình trung không phải cạnh tranh mà lại ngăn được các DN khác gia nhập thị trường. Nhưng rõ ràng nhìn về đại cục, nó là “nốt nhạc buồn” với những DN khác hay rộng ra là cả nền kinh tế khi các ĐKKD không những không thúc đẩy mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Đấy chỉ là một vài ví dụ trong hàng ngàn ĐKKD hiện hành không còn phù hợp và đang là “ma trận” mà các DN phải đối mặt. Theo thống kê của CIEM, tập hợp các quy định về ĐKKD lên tới gần 900 trang (chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng ĐKKD) và có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ ngành, nghề kinh doanh nào hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, các ĐKKD hiện hành không còn phù hợp hay việc khôi phục các ĐKKD mới gây ra rất nhiều hệ lụy cho cộng đồng DN và nền kinh tế. Bởi, nó vừa tạo ra rào cản cao trong gia nhập thị trường, sự bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, vừa làm cho quan hệ cung – cầu thị trường méo mó, làm sai lệch phân bổ nguồn lực, khiến hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN thấp cũng như không khuyến khích, thậm chí làm thui chột sáng tạo của DN.
Trái thẩm quyền, pháp luật thì phải bãi bỏ
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các ĐKKD như vậy khiến chi phí DN phải bỏ thêm ra rất lớn. “Với những chi phí về thời gian và tiền bạc nhiều như thế thì làm sao mà các DN Việt Nam đi vào khoa học công nghệ, cạnh tranh được. Nên không phải tình cờ mà Tập đoàn Samsung đặt hàng 170 chi tiết mà đến giờ chỉ có 12 DN làm được. Còn những DN khác không đáp ứng được một phần chủ yếu bởi chi phí quá cao” – ông Doanh nêu ví dụ.
Chia sẻ tại hội thảo, giáo sư Micheal Woods, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban năng suất Australia cho rằng, khi đặt ra các quy định về ĐKKD cần trả lời bằng được câu hỏi: Vì sao và căn cứ nào để cần có những quy định như vậy? Nếu như hoạt động kinh doanh không vi phạm các tiêu chí về an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội… như trong Hiến pháp và Luật Đầu tư đã nêu thì tại sao phải đưa ra những quy định như vậy. Bởi khi có càng nhiều quy định thì môi trường kinh doanh sẽ càng phức tạp và có thể dẫn tới méo mó, làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Nhưng thực tế, các bộ, ngành và địa phương vẫn “vô tư” ban hành các thông tư, quy định về ĐKKD – tức là trái thẩm quyền, trái luật. Và thực tế dường như cộng đồng DN cũng thờ ơ với việc góp ý, nhận xét, kiến nghị đối với pháp luật về ĐKKD. Một biểu hiện cụ thể là dù Cục đăng ký kinh doanh đã tập hợp và công bố danh mục ĐKKD trên cổng thông tin DN quốc gia từ 20/1/2015, đồng thời phát đi thông cáo báo chí đề nghị góp ý đến các hiệp hội, câu lạc bộ DN nhưng đến nay mới vỏn vẹn có 18 trên hơn 400 nghìn DN đóng góp ý kiến.
Như vậy, câu hỏi cần đặt ra là sao những hiện tượng, hành vi đó dù thấy rõ là trái thẩm quyền, trái luật đó nhưng vẫn tồn tại? Theo TS. Cung, đã đến lúc phải xác định rõ xem ai chịu trách nhiệm về thực trạng nói trên?; tại sao các văn bản trái thẩm quyền đó vẫn có hiệu lực thi hành mà không bãi bỏ được?; tại sao người dân, DN vẫn cứ âm thầm tuân thủ các quy định đó mà không có phàn nàn, khiếu nại hoặc đã có mà không được giải quyết?; phải làm gì để thực thi đúng Hiến pháp, Luật Đầu tư?...
“Tôi cho rằng đây là những vấn đề phải làm rõ và đây cũng chính là phép thử của đổi mới, của cải cách và của hoàn thiện nâng cao hiệu lực Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang hướng tới” – ông Cung nhấn mạnh.