Mấu chốt là niềm tin ở đồng Việt Nam
Chính sách phù hợp, giúp tăng dự trữ ngoại hối | |
Chính sách tỷ giá mới: Bước đi cần thiết | |
Nắm rõ tỷ giá, tính đúng đầu tư |
Tính tới hết quý I/2016, những nhận định và thăm dò của giới đầu cơ về việc khả năng tỷ giá tăng 1% trong những tháng đầu năm đã không xảy ra, mặc dù tâm lý lo lắng tỷ giá biến động thì vẫn có. Nhưng các chuyên gia cũng như lãnh đạo NHTM đều khẳng định rằng, việc điều hành tỷ giá theo cơ chế mới của NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 đã mang lại thành công và sự ổn định cho tỷ giá cũng như thị trường ngoại hối trong nước.
Gửi USD hay VND không quan trọng bằng việc vị thế của VND sẽ ngày càng được nâng cao |
Kết thúc quý I/2016, tỷ giá VND/USD dao động quanh mức 22.200 - 22.500 đồng/USD (theo Báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia). Lãi suất trên thị trường liên NH chưa tới 1%, giao dịch tương đối “dễ thở”. FDI những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực nên cung ngoại tệ tương đối dồi dào....
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, NHNN điều hành tỷ giá bằng việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, chứ không giữ tỷ giá neo như thời gian trước là bước đi đúng đắn. Vì thực tế nhìn thấy rằng, từ đầu năm 2016 tới nay, tỷ giá chuyển dịch lên - xuống theo diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ vậy mà xoá bỏ được dần tâm lý phấp phỏng, lo lắng về biến động của tỷ giá trước đây, từ đó việc tích trữ, đầu cơ ngoại tệ cũng được hạn chế đáng kể.
Yếu tố khách quan khiến cho áp lực lên tỷ giá của thị trường tài chính Việt Nam không quá căng thẳng cũng đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất trong phiên họp đầu năm nay.
Bên cạnh đó, việc đồng Nhân dân tệ (CNY) tăng giá khoảng 0,45% so với USD cũng “cứu vớt” tình trạng giảm giá thả cửa thời gian trước, nguy cơ đè lên tỷ giá Việt Nam - quốc gia có nhiều quan hệ thương mại với Trung Quốc - bớt nặng gánh. Mặc dù so với các đồng tiền khác trong khu vực Châu Á, CNY vẫn có xu hướng giảm.
Chủ trương của NHNN là triển khai quyết liệt các giải pháp để chống đô la hoá trong nền kinh tế, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ. Tỷ giá ổn định đã “đóng cửa” đối với những người có ý định đầu cơ ngoại tệ trên thị trường.
Ngoài việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày theo diễn biến thị trường, NHNN còn thực hiện đồng bộ nhiều công cụ, giải pháp điều tiết thị trường ngoại tệ như: cho phép NHTM huỷ ngang với hợp đồng mua kỳ hạn với chi phí không đáng kể, thay vì giao dịch đối ứng. Theo đó, nhà điều hành không phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường như thời gian trước. Khi tỷ giá giảm, NHNN cũng mua được một số lượng ngoại tệ lớn bổ sung vào dự trữ ngoại hối.
Đây chỉ là một trong những giải pháp chặt chẽ của NHNN nhằm hiện thực hoá mục tiêu đề ra. Trước đó, ngày 18/12/2015, NHNN đã có thông báo hạ lãi suất huy động USD của tổ chức, cá nhân xuống còn 0%. Đối với nhiều người dân có thể là tiếc nuối khi khoản tiền gửi ngoại tệ của họ không còn sinh lời. Nhưng nếu xét trên toàn cục, thì quyết định này của NHNN đã làm thay đổi dần nhận thức và thói quen của người dân lâu nay vốn vẫn chuộng gửi USD hơn VND.
Những giải pháp của NHNN thời gian qua đã giúp thị trường ngoại hối ổn định hơn, niềm tin vào VND trong dân chúng dần được cải thiện và nâng cao. Bằng chứng là theo báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 2/2016, huy động USD đã giảm đến gần 4%. Nhiều khách hàng sau khi thấy lãi suất gửi USD giảm còn 0%, đã chuyển sang gửi tiết kiệm VND, vì chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa USD và VND quá lớn (khoảng 6% - 8%/năm). Huy động VND của các NHTM từ đầu năm tới nay đã tăng khoảng 1,3%...
Song, dù lãi suất tiền gửi USD về 0%, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân giữ USD. Đơn giản vì họ cho rằng, đồng bạc xanh trước nay vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tài chính, nếu có biến động thì cũng không nhiều, và họ vẫn giữ kỳ vọng tỷ giá đồng bạc xanh sẽ nhích lên trong thời gian tới, khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi.
Chị Lê Thu Hà, nhân viên văn phòng của một NHTM trên phố Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Mình cũng có gửi tiết kiệm bằng VND, nhưng song song với đó vẫn gửi USD. Vì mình nghĩ USD vẫn luôn có lợi, thôi thì coi như nhờ NH giữ hộ, chứ không nhất thiết phải chuyển hết sang gửi tiền đồng”.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính - ngân hàng, vị này cho rằng: Không quan trọng việc gửi USD hay VND; hay gửi cái nào thì có lợi hơn, vì mỗi người dân sẽ có chọn lựa của riêng mình tuỳ theo nhu cầu, NHNN hay bất cứ đơn vị nào cũng không ai can thiệp được. Cái quan trọng ở đây là với những bước đi được tính toán kỹ lưỡng của NHNN nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế, chắc chắn vị thế của VND sẽ ngày càng được nâng cao hơn, chứ không “nhất bên trọng, nhất bên khinh” nữa.