Mẹo dạy con tiết kiệm từ thuở còn thơ
Tiền gửi không còn mang tính thời vụ | |
Quản lý và đầu tư tài chính thông minh cho những gia đình trẻ |
Đối với con trẻ, việc giáo dục những điều tốt đẹp, những đức tính cao quý là rất cần thiết nhưng trẻ chưa đủ hiểu biết để tiếp thu quá nhiều những lời giải thích và cũng không thể ghi nhớ được lâu. Do đó để tiếp cận trẻ đúng cách, chúng ta nên có những phương thức nhẹ nhàng, gần gũi thông qua các bài học từ những công việc nhỏ hàng ngày.
Đặc biệt, khi dạy trẻ tính tiết kiệm, chúng ta không nên diễn đạt quá dài dòng về những lợi ích to lớn của việc này như dành dụm tiền là để khi lớn lên sẽ mua nhà, mua xe; hoặc nếu không tiết kiệm thì sẽ không có đồ ăn, thức uống… những điều này vô hình sẽ tạo nên trong trẻ những hình dung xa vời và thiếu thực tế về việc tiết kiệm. Để giáo dục đúng cách, chúng ta hãy tham khảo 4 mẹo nhỏ sau để dạy con một cách trực quan và thiết thực hơn.
Khuyến khích trẻ tiết kiệm từ những việc nhỏ hàng ngày
“Học thầy không tày học bạn”, đầu tiên, cha mẹ hãy là những người bạn thân thiết của trẻ, cùng trẻ thực hành những bài học về tiết kiệm thông qua các sinh hoạt hàng ngày trong việc ăn uống, sử dụng các trang thiết bị nội thất gia dụng… Khi những lý thuyết về tiết kiệm được lồng ghép vào nếp sống gia đình một cách thực tế, mặc nhiên sẽ hình thành cho trẻ những thói quen tiết kiệm tốt. Ví dụ, cha mẹ hãy nhắc trẻ tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và khuyên trẻ nên ăn hết đồ ăn trong chén cũng như không nên bỏ phí các dụng cụ học tập vẫn còn sử dụng được…
Dạy trẻ tận dụng đồ cũ
Trẻ con lớn rất nhanh, áo quần và vật dụng trẻ đã sử dụng cha mẹ có thể giữ lại để dành cho các em, các cháu trong họ hàng hoặc các trẻ nhỏ ở những mái ấm tình thương... Hiển nhiên, khi thực hiện việc làm ý nghĩa này, cha mẹ hãy cho trẻ cùng tham gia để trẻ cảm nhận được rằng đối với những đồ vật mình đã sử dụng vẫn sẽ có giá trị khi tái sử dụng hoặc sẽ trở thành món quà yêu thương đối với những hoàn cảnh bất hạnh hơn. Không chỉ thế, cha mẹ có thể chủ động tạo ra các tình huống tương tự về việc tái sử dụng đồ cũ và khuyến khích trẻ cùng tham gia để học được những bài học giá trị về ý nghĩa lớn lao của việc tiết kiệm.
Tập cho trẻ mua sắm
Để trẻ khám phá thế giới muôn màu của những tiện nghi mà cuộc sống hiện đại mang lại và lựa chọn cho mình những vật dụng cần thiết, mỗi lần đi mua sắm, cha mẹ nên đưa trẻ theo để cả gia đình cùng lựa chọn những sản phẩm phù hợp và có sự thống nhất giữa các thành viên. Khi chọn một món hàng, cha mẹ hãy cùng trẻ so sánh chúng với những món hàng có cùng tính năng và chất lượng tương tự, từ đó chọn mua món có giá thấp hơn để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tạo cho trẻ thói quen mua sắm khoa học và chi tiêu hợp lý.
Khuyến khích trẻ “lập quỹ”
Tương tự như người lớn, trẻ con cũng có nhu cầu mua sắm và thực hiện các kế hoạch cần sử dụng đến đồng tiền trong tương lai. Để giáo dục và hướng dạy trẻ một cách đúng đắn trong việc làm này thì cha mẹ có thể giúp trẻ sở hữu một chú heo đất đáng yêu và khuyến khích trẻ dành một khoản tiền nhỏ cuối ngày sau khi chi tiêu cho những thứ thiết yếu để bỏ vào heo đất. Đồng thời giải thích cho trẻ hiểu rằng số tiền mà trẻ dành dụm được trong heo là để giúp trẻ thực hiện kế hoạch mua sắm sách vở vào đầu năm học mới, giúp trẻ mua áo quần đẹp vào mỗi dịp tết về…
Đặc biệt, cha mẹ cũng có thể cách tân chú heo đất ở nhà thành một tài khoản tiết kiệm nho nhỏ tại ngân hàng cho trẻ, với loại hình này thì hiện các ngân hàng đều có sản phẩm mang tên tiết kiệm cho con, sản phẩm này có các tính năng hoàn toàn tương tự như hình thức bỏ tiền vào heo đất, tài khoản tiết kiệm được mở sẽ mang chính tên của trẻ, trẻ có thể gửi tiền vào tài khoản bất kỳ lúc nào trẻ muốn mà còn được hưởng thêm lãi suất.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với đồng tiền, nhưng hiện nay, khi xu hướng sống đang ngày càng hiện đại thì quan điểm này đã không còn thích hợp.
Ngược lại, khi trẻ bắt đầu biết nhận thức, cha mẹ nên để trẻ tiếp xúc với các khái niệm về giá trị của đồng tiền kèm theo ý nghĩa của việc tiết kiệm thông qua những bài học từ cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ nên đồng hành và cùng trải nghiệm hành trình định hình nhân cách với trẻ, tận tình chỉ dạy trẻ bằng những bài học thực tế, gần gũi, giúp bé nhớ lâu và hình thành những kỹ năng quản lý tài chính một cách tự nhiên.