Mở cửa cho tư nhân bỏ vốn vào điện sạch
Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh | |
Điện gió và tiềm năng | |
Giờ “G” đã điểm! |
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam, một trong những điều được giới đầu tư ngành điện rất quan tâm. Với quyết định này, các công ty tư nhân nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình đều có thể tham gia đầu tư thu lợi từ thị trường điện năng vốn là sân chơi trước nay vẫn chỉ dành cho các “ông lớn”.
Ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch CTCP Năng lượng Mặt trời Đỏ cho rằng ngay khi quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 1/6/2017), chắc chắn các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến năng lượng sẽ triển khai mạnh các dự án điện mặt trời để tận dụng các lợi thế ưu đãi về thuế đất, thuế nhập khẩu nguyên liệu và thuế thu nhập DN. Theo thống kê của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư đã bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20 - 300MW tại nhiều địa phương.
Ảnh minh họa |
Ông Cánh cho rằng khi Quyết định 11 có hiệu lực thì con số dự án sẽ tăng lên nhanh chóng, bởi yếu tố giá mua điện vốn là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư thì trong quyết định này đã được giải quyết khá hợp lý.
Theo đó, giá mua điện đối với dự án nối lưới cho DN và dự án hộ gia đình trên mái nhà được chốt ở mức 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Mức giá này cao hơn 20-25% so với giá mua điện sản xuất từ phế thải nông nghiệp (vỏ trấu, bã mía) mà những năm gần đây bị nhiều DN điện trấu lên tiếng phản đối.
Ở góc độ cạnh tranh thị trường, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cho rằng việc ban hành Quyết định 11 sẽ khiến cho thị trường điện mặt trời có sự cạnh tranh lành mạnh hơn, khi có sự tham gia ngày càng nhiều của khối DNNVV và cả các hộ kinh doanh cá thể. Khi thị trường điện phát triển mạnh sẽ dần tháo gỡ tính độc quyền trong ngành năng lượng điện và tạo ra cơ hội giải quyết nhiều việc làm mới ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty luật Baker & McKenzie tại TP. Hồ Chí Minh, để triển khai thí điểm được Quyết định 11 thì ngay thời điểm này các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành cần được soạn thảo theo hướng chi tiết hóa và tháo gỡ, giải thích rõ những điểm chưa cụ thể của quyết định trên.
Cụ thể, đối với việc phân loại các dự án, hiện Quyết định 11 chưa có quy định chi tiết về tiêu chí phân loại và mức hỗ trợ, các thông tư cần làm rõ các mục này. Hay như trong Điều 7.1 của Quyết định 11 có quy định rằng: “Việc đầu tư xây dựng dự án nối lưới cho DN phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Tuy nhiên trên thực tế, nếu dự án điện mặt trời được đầu tư mới trên địa bàn tỉnh/thành phố chưa có quy hoạch phát triển điện mặt trời thì nhà đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí cơ hội cho việc hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính khả thi của dự án điện là chi phí đấu nối. Hiện nay quy định bên bán điện có trách nhiệm đầu tư, vận hành và bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp tăng áp (nếu có) từ nhà máy điện tới điểm đấu nối của bên mua (EVN). Quy định này được những người quan tâm cho rằng đã áp đặt trách nhiệm lên bên phát triển dự án (tức nhà đầu tư tư nhân) mà không có cơ chế chia sẻ chi phí và rủi ro một cách hợp lý.
Bởi theo tính toán, đối với các dự án nhỏ, chi phí đấu nối vào lưới điện có thể chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí của dự án. Nếu không được chia sẻ từ bên mua thì tính khả thi của dự án không cao. Chính vì vậy, cần quy định về việc phân bổ rủi ro và chi phí đấu nối vào lưới điện, ví dụ như phân bổ dựa trên công suất của dự án và khoảng cách tới các đường dây, lưới điện truyền tải hiện có.