Giờ “G” đã điểm!
Năng lượng tái tạo là tương lai ngành điện Việt Nam | |
WB hỗ trợ Việt Nam 200 triệu USD cải cách ngành điện |
Nguồn năng lượng tái tạo chưa được quan tâm thỏa đáng |
Tiềm năng lớn
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Nhưng trong quy hoạch điện VII đã được phê duyệt, thì điện gió còn nằm ở mức khá khiêm tốn.
Thí dụ, các công trình thủy điện và nhiệt điện đưa vào vận hành năm 2011 có công suất 4.187MW thì NLTT (trong đó có điện gió) chỉ là 30MW; năm 2012 những con số này là 2.805MW và 100MW; năm 2013 là 2.105MW và 130MW. Trong 4 nước được WB khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia.
Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt” đến “rất tốt” để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn, thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái Lan cũng chỉ là 0,2%.
Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn, thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió...
Đặc biệt, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn, còn có một thuận lợi là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió.
Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7 m/s tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3 - 3,5 MW. Thực tế là người dân khu vực Ninh Thuận cũng đã tự chế tạo một số máy phát điện gió cỡ nhỏ nhằm mục đích thắp sáng. Ở cả hai khu vực này dân cư thưa thớt, thời tiết khô nóng, khắc nghiệt, và là những vùng dân tộc đặc biệt khó khăn của Việt Nam.
Ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ cho rằng, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn như: có điện mặt trời dạng độc lập không nối lưới; điện nối lưới; nhà máy phát điện mặt trời và các thiết bị ứng dụng điện mặt trời.
Giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ đi, cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp thì đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp, giảm khoảng 80%. Tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong những năm tới là rất lớn, nhưng vấn đề là chúng ta chuẩn bị đến đâu.
Ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành điện mặt trời, thì nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, ví dụ như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành giá mua điện lên lưới từ nguồn năng lượng mặt trời, ông Cánh nói.
Hiệu quả vẫn còn khiêm tốn
Trong Quy hoạch Điện VII đã xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Trong đó, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Nhưng để cụ thể hóa nguồn NLTT không dễ dàng bởi tỷ suất đầu tư và giá thành sản phẩm.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu sử dụng công nghệ châu Âu, suất đầu tư cho điện gió tính theo công suất đã lên tới 2.250 USD/kW, còn nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc thì suất đầu tư cũng là 1.700 USD/kW. Với suất đầu tư này, giá điện gió bình quân tối thiểu cũng ở mức 10,68 cent/kW với thiết bị châu Âu và Mỹ.
Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng phải 8,6 cent/kW. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tới xấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm. Đầu tư lớn, giá thành sản xuất khá cao, thời gian thu hồi vốn lâu, giá phát điện chưa hợp lý khiến nguồn năng lượng này rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.
Vừa qua, tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, cơ hội và thách thức” được Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có những cơ chế về giá, bổ sung các quy định, quy chuẩn để khuyến khích và hỗ trợ DN tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương, chủ yếu tập trung ở miền Trung.
Nhà nước cần quy định giá mua bán điện NLTT một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích 3 bên: chủ đầu tư (bên bán điện) – EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. Giá mua bán này cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần. Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung các quy định, cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa việc sản xuất các thiết bị NLTT, TS. Nguyễn Huy Hoạch kiến nghị.
Chỉ khi cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển được ban hành, chắc chắn sẽ khuyến khích và giúp các DN đầu tư vào lĩnh vực NLTT, đảm bảo phát triển “năng lượng xanh” thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống và không gây ô nhiễm môi trường.