Mới chỉ giải quyết được phần ngọn
Liên kết để giảm giải cứu | |
Giải cứu không phải là giải pháp căn cơ |
Đến hẹn lại... giải cứu
Những năm gần đây, đến hẹn lại lên cứ vào mùa thu hoạch dưa hấu và một số nông sản khác như rau củ quả... nông dân các địa phương ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi lại cần đến giải cứu, mới mong tiêu thụ hết nông sản đã làm ra. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao cứ vào mùa thu hoạch nông sản lại cần phải giải cứu, thay vì có những biện pháp căn cơ, giải quyết khó khăn đầu ra cho bà con một cách hiệu quả, bền vững hơn?
Giải cứu nông sản mới chỉ là giải pháp tạm thời |
Mới đây, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã phải viết thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay giải cứu, hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ dưa hấu. Theo nội dung thư, thời gian gần đây giá dưa hấu tại Quảng Nam giảm mạnh.
Thậm chí, có thời điểm xuống chỉ còn 1 nghìn đồng/kg. Cao điểm lượng dưa hấu còn tồn đọng trong dân khoảng 1,3 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Phú Ninh. Mức giá xuống quá thấp, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Nhiều gia đình không còn muốn thu hoạch, bởi tốn thêm chi phí nhân công.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, trú tại xã Tam Phước, huyện Phước Ninh chia sẻ, vào mùa trồng dưa hấu năm nay gia đình đã tăng gấp đôi diện tích trồng dưa so với năm trước, với kỳ vọng được giá, được mùa. Thời điểm đầu vụ thu hoạch cũng rất khả quan, khi dưa hấu được các thương lái thu mua với giá 6 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, vào đến giữa vụ thu hoạch, đột ngột các thương lái thông báo chỉ thu mua với giá 1 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, nếu tính hết tiền đầu tư như mua bạt phủ, phân bón, giống cây... gia đình sẽ lỗ nặng.
Tương tự, ông Anh trên địa bàn huyện Phú Ninh có nhiều hộ trồng dưa, đã thu hoạch dưa 3 đến 4 ngày nhưng không thể bán được vì thương lái không thu mua, hoặc mua với giá rẻ mạt. Theo một tiểu thương chuyên thu mua dưa hấu ở địa phương, nếu chỉ trông cậy vào sức tiêu thụ nội địa thì không thể giải quyết hết sản phẩm cho bà con.
Trong khi, thị trường Trung Quốc cũng đang thu mua cầm chừng. Hiện, giá mỗi ký dưa bên Trung Quốc chỉ khoảng 3 nghìn đến 3,5 nghìn đồng. Bởi vậy, những thương lái lớn thu mua số lượng lớn gần như không có.
Không chỉ riêng ở Quảng Nam, tại thời điểm này nhiều loại nông sản ở Quảng Ngãi cũng đang trong tình trạng tắc nghẽn đầu ra, chờ giải cứu, đặc biệt là dưa hấu. Ông Trần Ngọc Thương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tại địa phương trồng dưa lớn của tỉnh là Bình Sơn đã có khoảng 50 ha dưa hấu cần thu hoạch. Giá dưa rất thấp chỉ từ 1 đến 1,5 nghìn đồng/kg, thậm chí nông dân “bán tháo”, cũng không tiêu thụ được.
Điều đáng nói, cũng vào thời điểm này vào năm ngoái giá dưa tại Quảng Ngãi cũng đã rớt xuống chỉ còn khoảng 1 nghìn đồng/kg. Vì giá dưa hấu rớt thê thảm nên các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã tổ chức giải cứu, nâng giá bán lên khoảng 3 nghìn đồng/kg nhằm giúp người dân vớt vát lại số vốn đã bỏ ra. Sang đến năm 2018, không hẹn lại lên việc giải cứu dưa hấu cho bà con vẫn phải tiếp tục xảy ra.
Cần giải pháp căn cơ
Trước đó, để người trồng dưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi không còn rơi vào cảnh bị động, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi và đại diện các doanh nghiệp tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tỉnh Quảng Ngãi”. Tuy nhiên, vào vụ khai thác việc giải cứu dưa hấu và một số nông sản khác vẫn phải thực hiện...
Theo nhiều người nguyên nhân dưa hấu được mùa mất giá, cần phải hỗ trợ trong khâu tiêu thụ do nông dân trồng dưa một cách tự phát, chưa xác định được thị trường, số lượng và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, bà con hầu như chưa có sự gắn kết với các đại lý bao tiêu mà chỉ bán lẻ sản phẩm trực tiếp. Thời gian gần đây, việc phá vỡ quy hoạch trồng các loại nông sản luôn diễn ra ở nhiều địa phương.
Đơn cử tại huyện Phú Ninh, vốn là vựa dưa lớn nhất ở Quảng Nam. Dưa hấu Phú Ninh nổi tiếng trên thị trường với loại dưa đặc sản mang thương hiệu dưa Kỳ Lý. Theo quy hoạch vùng trồng dưa tại địa phương chỉ khoảng 400 ha. Tuy nhiên năm nay, kỳ vọng dưa bán được giá nên người dân đã ồ ạt trồng tự phát thêm 90 ha. Kết hợp thời tiết thuận lợi, dưa được mùa nên lượng thu hoạch lớn. Dẫn đến tình trạng ứ đọng, khó tiêu thụ hết trên thị trường.
Nguyên nhân tiếp theo lâu nay từ việc thu mua, đến xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn rất nhiều bấp bênh. Đơn cử như trước dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 thương lái thu mua 6 nghìn đồng/kg dưa hấu để bán sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau dịp lễ do sự thiếu ổn định của thị trường nhập khẩu, nên các thương lái trong nước lại ngừng thu mua, hoặc thu mua với giá rẻ mạt nên một lượng dưa lớn ứ đọng trên thị trường cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, nhiều năm gần đây dưa hấu trên địa bàn miền Trung, vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Giám đốc một công ty thường xuyên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho biết, vào thời điểm này thị trường này cũng đang thu hoạch rộ dưa hấu nên hạn chế nhập khẩu. Điều này, gây ra những khó khăn cho người trồng dưa ở nhiều địa phương trong cả nước. Nếu không có sự điều tiết, chắc chắn việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Liên tiếp phải giải cứu nông sản, nhiều người đã đặt câu hỏi, khi nào mới hết giải cứu nông sản. Trong khi, rõ ràng việc giải cứu nông sản, trong đó có dưa hấu mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Bởi, đây mới chỉ là những giải pháp “chữa cháy”. Về lâu dài rất cần những giải pháp căn cơ mang tính bền vững hơn. Trước hết, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt để hạn chế tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng các loại nông sản như thời gian qua.
Tại một hội nghị được tổ chức tại Quảng Ngãi, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đề nghị các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo quản lý sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây nên hiện tượng dư cung nông sản như thời gian qua...
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường cho người dân. Kịp thời đưa ra những cảnh báo về thị trường, mùa vụ ở các nước nhập khẩu. Góp phần để người dân chủ động hơn trong sản xuất. Về phía người dân cũng cần tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan chức năng về định hướng thị trường, đặc biệt hạn chế tình trạng tự mở rộng diện tích trồng nông sản. Về lâu dài, cần ý thức đến vấn đề sản xuất sạch, hướng đến các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Nâng cao chất lượng của nông sản để tránh tình trạng bị ép giá trên thị trường.