Giải cứu không phải là giải pháp căn cơ
Không thể cứ ngồi chờ giải cứu | |
Bao giờ nghề nông bớt khổ |
Sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường
Những cánh đồng củ cải trắng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội bà con không tiêu thụ được phải nhổ bỏ. Tại Hải Dương, su hào cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khi thông tin về củ cải, su hào chưa kịp lắng xuống thì tin tức về giá hành tím tại Sóc Trăng liên tục giảm giá từ Tết đến nay khiến nông dân ngán ngẩm vì lỗ vốn.
Ảnh minh họa |
Những giọt mồ hôi, hòa cùng nước mắt bởi gánh nặng mưu sinh cơm áo gạo tiền của những người nông dân đã và đang thấm đẫm những thửa ruộng này. Trên đôi vai của những người nông dân là những gánh xu hào, hành tím, củ cải trắng… không phải mang đi bán mà là mang đi đổ bỏ khiến nhiều người cảm thấy xót xa.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng được mùa mất giá như hiện nay là do bà con vẫn sản xuất tự phát theo tín hiệu ngắn hạn của thị trường. Bên cạnh đó, khâu quy hoạch chưa tốt, việc xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập, chưa chú ý đến việc đầu tư vốn vào các khâu bảo quản, chế biến sản phẩm, chi phí vẫn còn cao…
Ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Hello Măm cho rằng, không thể để tình trạng DN cứ đi giải cứu mãi được nông sản mà cần phải cơ cấu lại sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với người dân để phát triển ổn định.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Công ty Tâm Thành chia sẻ, DN không thể chủ động bán hàng cho người tiêu dùng mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Về lâu dài DN muốn ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng dẫn cho người dân lập kế hoạch sản xuất hợp lý, trồng theo nhu cầu của thị trường, hạn chế trồng tự phát để không bao giờ xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản như thời gian qua.
Đồng thời, chính quyền địa phương đứng ra làm khâu trung gian kết nối cho người dân và DN thông qua hợp đồng ký kết để tiêu thụ với số lượng ổn định, hạn chế việc thương lái điều hành thị trường, làm cho giá cả bấp bênh.
Theo ông Tạ Văn Tường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, phương thức sản xuất tiêu thụ, tiêu dùng hiện nay theo truyền thống đều không tốt, phương thức sản xuất của người dân không thay đổi, chưa làm theo chuỗi, tiêu thụ truyền thống không có nhãn mác, thương hiệu, sản xuất chưa hướng tới người tiêu dùng mà hướng tới thương lái nên thụ động.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mấu chốt của vấn đề hiện nay là việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu. Về lâu dài, phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, đặc biệt là đợt rau gối giữa vụ Đông và Xuân để có hướng dẫn sát hơn.
“Bởi vì năm nào cũng xảy ra hiện tượng này thì sang năm chúng ta phải có những điều chỉnh từ đầu và có những cảnh báo nông dân, nhất là xác định đợt cuối cùng của vụ đông cho hợp lý, tránh rủi ro như hiện nay cũng như những năm trước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Yếu ở khâu chế biến
Thực tế, câu chuyện “được mùa, rớt giá” đã diễn ra cả chục năm nay. Tuy nhiên, giải cứu không bao giờ là cách tiêu thụ bền vững cho nông sản Việt. Yếu khâu chế biến đang là rào cản của nông sản hiện nay. Trong câu chuyện liên quan đến giải cứu củ cải, bà Vũ Thị Hậu - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho hay, các sở ngành hỗ trợ hợp tác xã đầu tư máy sấy củ cải, phải có hệ thống sấy củ cải, để giải pháp tiêu thụ quanh năm chứ không phải tiêu thụ lúc dồn ứ và tiến tới xuất khẩu củ cải.
Dù Bộ NN&PTNT đã quan tâm nhưng hiện nay, tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt thấp, hàm lượng công nghệ chưa cao. Nhiều loại rau chưa có thị trường xuất khẩu nên chủ yếu tiêu thụ tươi sống ở thị trường nội địa.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp, hỗ trợ để DN kết nối tiêu thụ tươi sống ở thị trường nội địa. Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực phối hợp, hỗ trợ để DN kết nối tiêu thụ, đầu tư vào công nghệ chế biến.
Dự kiến, năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến nhưng trước mắt tập trung vào cây ăn quả, mảng có giá trị xuất khẩu chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu rau - củ - quả. Tuy nhiên, trong lĩnh vực rau xanh, bước tiến còn chậm vì chưa có thị trường tiêu thụ ở trong nước, ông Sơn nói.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, muốn sản xuất phải nắm vững cung, cầu định hướng sản xuất cho phù hợp, chính quyền địa phương cần xem vùng đất có thể trồng đa dạng các loại rau để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Về lâu dài, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới sản xuất các mặt hàng an toàn, có kênh tiêu thụ bền vững không nên chỉ mang ra chợ, người tiêu dùng vào siêu thị cao hơn 10-20% so với mọi năm so với kênh tiêu thụ truyền thống vì họ yên tâm về chất lượng, nên xu thế tiêu dùng hiện đại phải có mẫu mã, chất lượng sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước xúc tiến thương mại…
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh, muốn phát triển, ngành nông nghiệp dứt khoát phải sản xuất sạch, an toàn và có trách nhiệm. Đồng thời, Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất, coi trọng xây dựng tổ chức đại diện cho nông dân làm đầu mối liên kết với DN như hợp tác xã. Bộ NN&PTNT cần ban hành quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, phải tiến hành sản xuất có điều kiện, có trách nhiệm.