Một bước lên thị trường
Ảnh minh họa |
Từ đầu tuần này, chính sách tỷ giá mới được áp dụng đã thu hút sự quan tâm của xã hội.
Theo cách thức mới, diễn biến tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng trong nước và tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, đầu tư, vay-trả nợ lớn với Việt Nam, được cập nhật sớm nhất có thể, là tham chiếu để đưa ra tỷ giá trung tâm mỗi ngày của NHNN. Các NHTM theo đó mà giao dịch, biên độ vẫn là +/- 3%.
Đây có thể coi là một bước tiến mới trong chính sách ngoại hối của Việt Nam, xác lập từng chặng đường hạn chế vai trò tiền tệ của USD (và cả vàng), chuyển nó sang là một loại tài sản thông thường.
Thực tế, nhiều năm về trước việc cấm niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ đã được thực hiện rất tốt, cho đến nay về cơ bản đã không còn các hoạt động công khai niêm yết giá bằng ngoại tệ.
Riêng trong quan hệ tín dụng, với việc hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% vừa qua có thể coi là “giọt nước cuối cùng” đẩy ngoại tệ này trở thành một loại tài sản thông thường. Từ đó, thậm chí người gửi có thể phải mất phí.
Vậy lý do nào NHNN lại cần thay đổi như vậy? Nguyên nhân có liên quan đến chính sách tỷ giá đang rất nhất quán hiện nay - hướng tới xóa bỏ vai trò tiền tệ của USD trên thị trường. Bởi trên thực tế, tỷ giá có tác động rất lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong khi chính sách tiền tệ nỗ lực để ổn định lạm phát, đảm bảo giá trị đồng nội tệ thì vừa qua, những tác động từ thị trường tài chính thế giới đến tỷ giá USD-VND khiến cho trong công tác điều hành đã chịu những yếu tố tác động không mong muốn.
Với đa số các NHTW trên thế giới, để đảm bảo chính sách tiền tệ chỉ nhằm một mục đích là giữ ổn định giá trị đồng tiền thì họ chấp nhận thả nổi tỷ giá. Cách thức như vậy được cho là có nguyên lý thị trường hơn. Bởi lẽ, khi tham gia kinh doanh, các DN phải chấp nhận rủi ro tỷ giá và mức độ rủi ro đến đâu phải được tính toán trong phương án kinh doanh. Chính phủ, các NHTW không có trách nhiệm trước các biến động từ bên ngoài vào, gây xáo trộn mặt bằng tỷ giá trong nước…
Tuy nhiên với trường hợp của Việt Nam, chúng ta có độ mở nền kinh tế rất lớn, thay đổi tỷ giá ảnh hưởng nhanh và mạnh đến hoạt động của DN, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên can thiệp của cơ quan điều hành là cần thiết để không làm “đổ vỡ” các thực thể kinh tế làm nên sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập.
Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm được coi là “một bước tiến lên thị trường” của chính sách tỷ giá hiện nay, xác lập giá trị USD với tư cách là đồng tiền chuyển đổi trong giao dịch thương mại quốc tế, nhưng loại bỏ vai trò tiền tệ của nó ở thị trường trong nước, nhưng vẫn có những can thiệp nhất định đến thị trường.
Với động thái chính sách đó, không những NHNN dễ dàng hơn trong điều hành chính sách tỷ giá, giảm thiểu can thiệp bằng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, giảm các biện pháp hành chính vào thị trường… mà DN cũng được lợi là mua ngoại tệ thanh toán các hợp đồng nhập khẩu dễ dàng hơn. Bởi khi mà tỷ giá được xác định trên cơ sở biến động của thị trường thì mức giá là phù hợp nhất định cho cả bên mua và bên bán.
Và khi mà đồng USD mất đi vai trò tiền tệ để chuyển thành tài sản, người dân sẽ phải cân nhắc lợi ích giữa giữ ngoại tệ hay chuyển đổi thành tiền đồng gửi ngân hàng. Với chính sách tiền tệ chủ trương kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, với lộ trình dài của ổn định chính sách tỷ giá thời gian qua đã khiến niềm tin vào tiền đồng tăng lên, tạo thêm một động lực nữa để xóa bỏ vai trò tiền tệ của USD. Đó là một mục tiêu lớn mà chính sách tỷ giá đã xác lập - tạo thị trường cho các giao dịch ngoại tệ.