Một năm thành công của chính sách tiền tệ
Nhìn về những con số ấn tượng | |
Điều hành CSTT góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu | |
“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” |
Cặp đôi lãi suất, tỷ giá ngày càng “ăn ý”
Đầu năm, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, TS. Trần Du Lịch bày tỏ lo ngại về vấn đề giữ ổn định giá trị đồng tiền trong bối cảnh thế giới rất biến động, khó dự báo; rồi vấn đề kéo giảm lãi suất trước áp lực đồng USD tăng giá...
“Với một thế giới biến động mạnh như vậy, làm sao để có thể thực hiện cũng như duy trì được nhiều mục tiêu là cả bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2017”, TS. Trần Du Lịch nhận định. Tuy nhiên, khép lại năm 2017, thị trường đã ghi nhận hàng loạt dấu ấn đến từ điều hành CSTT.
VND trở thành đồng tiền ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á |
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét, năm 2017 là năm thứ hai, Chính phủ và NHNN bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội. Nếu như năm 2016 lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% thì năm 2017 chỉ số này chỉ là 3,52% - dưới mức 4%. Trong sự khởi sắc đó, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh đến sự đóng góp quan trọng của hệ thống NH. “Hệ thống lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất trên thị trường liên NH ổn định, thanh khoản của NHTM được đảm bảo góp phần quyết định vào việc duy trì giúp lạm phát cơ bản giảm dần từ 1,8% xuống mức 1,41% đóng góp vào thành quả kiểm soát lạm phát bình quân cả nước dưới 4%”, TS. Nghĩa dẫn chứng.
Lãi suất trên thị trường liên NH ổn định là cơ sở giúp lãi suất trên thị trường tín dụng cũng được duy trì ổn định. Quan trọng hơn mặt bằng lãi suất hợp lý đã hỗ trợ đắc lực cho việc mở rộng tín dụng hợp lý. Năm 2017 tín dụng tăng khoảng 19% và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
“Lãi suất ổn định cũng là một trong những nhân tố khuyến khích NĐT đầu tư, đặc biệt là khu vực tư nhân nội địa cũng như NĐT nước ngoài”, TS. Nghĩa bổ sung tác động của việc duy trì ổn định lãi suất và đánh giá thêm: NHNN cũng từng bước linh hoạt hoá các công cụ quản lý hành chính như là quản lý trần lãi suất, hạn mức tăng trưởng tín dụng theo chiều hướng gỡ bỏ dần các rào cản hành chính và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Mặc dù thị trường tài chính quốc tế trong năm qua đang đứng trước hai xu hướng - một là tiếp tục nới lỏng CSTT và hai là từng bước thắt chặt đã khiến cho đồng USD biến động mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Tuy nhiên với sự chủ động, linh hoạt, thận trọng, NHNN đã hạn chế được đáng kể những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế, duy trì ổn định của các chỉ số tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh vẫn tăng được dự trữ ngoại tệ lên mức kỷ lục gần 52 tỷ USD và hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt được mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
NHNN cũng đã điều hành việc cung ứng tiền cả trên thị trường liên NH và trên thị trường hối đoái linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo cho thị trường tiền tệ nói chung thị trường ngoại tệ và vàng nói riêng khá ổn định. Nhất là tăng dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục trong khi toàn bộ thị trường tiền tệ không có bất kỳ cú sốc nào đáng kể.
“Tỷ giá hối đoái của VND so với USD tiếp tục được duy trì ổn định khiến cho đồng VND trở thành đồng tiền ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á và ngày càng có uy tín đối với NĐT trong nước và quốc tế. Đây cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng vị thế xếp hạng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo đánh giá của WB và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác”, một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá thêm.
Duy trì cách thức điều hành linh hoạt, sáng tạo
Năm 2018, dự báo vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô. Các dự báo gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế đều đặt niềm tin vào sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Việt Nam. Dự báo lạm phát năm 2018 cũng chỉ ở mức năm 2017 hoặc cao hơn chút ít.
Phân tích cụ thể hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa nói: tăng trưởng thương mại toàn cầu mặc dù đã được phục hồi khá ấn tượng nhưng chưa có bước đột phá so với năm 2017. Giá dầu thô tăng nhẹ, giá nông sản phục hồi, tuy nhiên giá vật liệu cơ bản đặc biệt là kim loại có thể giảm trong năm 2018. Vì vậy tác động thị trường thế giới vào thị trường nội địa không lớn.
Các yếu tố tác động lạm phát trong nước như là giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá lương thực thực phẩm… cường độ tác động đang giảm dần. Ngoại trừ giá điện được điều chỉnh nhẹ cuối năm 2017. Vì vậy, nếu NHNN vẫn duy trì cách thức điều hành CSTT linh hoạt và sáng tạo đảm bảo được lạm phát cơ bản không vượt quá 2% năm thì ảnh hưởng của thị trường nội địa với chỉ số giá nói chung cũng sẽ không lớn.
Một yếu tố khác đó là các khuynh hướng về thắt chặt dần tiền tệ (tăng lãi suất) hoặc nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất) cũng còn rất hạn chế, ít có khả năng tạo ra cú sốc trên thị trường tài chính quốc tế. Và vì vậy, với cách điều hành hiện nay của NHNN cũng sẽ ít bị tác động đến mục tiêu CSTT của Việt Nam. Lãi suất và tỷ giá hối đoái vẫn sẽ tiếp tục được ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ được kiểm soát.
Với những kết quả của nền kinh tế nói chung, hệ thống NH đạt được nói riêng trong năm qua, các NĐT trong nước và quốc tế đang ngày càng tin rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có cơ sở vững chắc và dài hạn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì đầu tư của DN nội địa và quốc tế kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Đặc biệt, điều này có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Việt Nam mà không cần quá nhiều các biện pháp kích thích từ chính sách tài khoá và CSTT. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần phải hết sức lưu ý về một tương lai tăng trưởng bền vững trên nền tảng cải thiện các yếu tố kinh tế tiềm năng như công nghệ, năng suất lao động, chuỗi giá trị gia tăng mà không dựa quá nhiều vào các biện pháp kích thích để tránh những bất ổn vĩ mô dài hạn. Nếu như vậy, gánh nặng lên điều hành CSTT của NHNN sẽ phần nào được nhẹ đi và có thêm điều kiện về thời gian, nguồn lực tập trung giải quyết những vấn đề lớn của ngành một cách rốt ráo, hiệu quả hơn.