Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc
Những vũ khí Trung Quốc có thể dùng với Mỹ | |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại nóng |
Quyết định này được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc - đặc phái viên thương mại hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - và các đồng sự của ông ở Washington hôm thứ năm (9/5) không có mấy tiến triển. Mặc dù theo dự kiến các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào thứ sáu, song các nhà quan sát cho biết họ không hy vọng sẽ có bất kỳ đột phá nào. Một người quen thuộc với các cuộc thảo luận nói rằng, các quan chức Mỹ không chắc chắn liệu ông Lưu có quyền đưa ra bất kỳ cam kết có ý nghĩa nào hay không. Người ta cũng không rõ liệu Trung Quốc có giải quyết được các cuộc tranh luận nội bộ đã dẫn đến việc Trung Quốc cuối tuần trước đã thay đổi các cam kết trước đó hay không.
Ảnh minh họa |
Trước cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng ông đến Washington dưới áp lực, nhưng với sự chân thành; đồng thời cảnh báo rằng động thái tăng thuế của Mỹ bắt đầu từ thứ Sáu không phải là một giải pháp và sẽ gây thiệt hại cho cả Trung Quốc và Mỹ.
Trước đó một ngày, ông Trump cũng đã làm dịu thị trường tài chính Mỹ với việc khẳng định vẫn có thể đạt được thỏa thuận trong tuần này, ngay cả khi ông nhắc lại kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí phát biểu tại một sự kiện ở Washington, ông cũng cho biết có thể gọi điện thoại cho ông Tập. Tuy nhiên theo một quan chức cấp cao của chính quyền Trump, không có cuộc gọi nào giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào cuối ngày thứ năm và cũng không có kế hoạch về việc này.
Trong khi dữ liệu thương mại được công bố hôm thứ Năm cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm xuống mức hẹp nhất trong gần 3 năm do nhập khẩu chậm lại và xuất khẩu tăng cao. Sản xuất và việc làm trong nước mạnh mẽ trong những tuần gần đây cũng đã tạo thêm động lực cho ông Trump.
Hệ quả là quyết định tăng thuế đã được đưa ra. Giới quan sát cũng cho rằng động thái này của Chính quyền ông Trump đã làm sâu sắc thêm cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã làm rối loạn thị trường tài chính và phủ một bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố rằng họ buộc phải trả đũa, mặc dù không nói rõ sẽ hành động như thế nào.
Thậm chí trước cuộc hội đàm hôm thứ năm, Tổng thống Trump cũng tuyên bố là Mỹ có thể sẽ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 325 tỷ USD khác từ Trung Quốc; có nghĩa toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ - có giá trị khoảng 540 tỷ USD vào năm ngoái - sẽ phải chịu thuế nhập khẩu mới.
Nếu điều đó xảy ra, dù phải mất vài tuần để triển khai, nó sẽ có tác động mạnh đến kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc và cả toàn cầu. Các nhà kinh tế tại Moody’s Analytics cho biết trong một báo cáo trong tuần này rằng, một cuộc xung đột thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2020.
Động thái này “làm trầm trọng những nguy cơ trong môi trường thương mại toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý toàn cầu”, Michael Taylor - Giám đốc điều hành chiến lược và tiêu chuẩn tín dụng của Moody’s Investors Service ở Hong Kong nói.
Trong khi một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cho biết, việc Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc có thể cắt giảm mức tăng trưởng của Trung Quốc 0,3 điểm phần trăm. Nhưng vị này cũng nhấn thêm rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở nên “kiên cường hơn” trước những cú sốc bên ngoài.