Nam Định: Đưa tín dụng thành động lực thúc đẩy nông thôn mới
Hà Nội phát triển 133 mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao | |
Tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới | |
Chung sức vì nông thôn mới ở xứ Quảng |
Chuyện kể về Nam Định - tỉnh đi đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới không chỉ là những con số kinh tế, mà còn là phong thái sống thư nhàn, lãng mạn của một miền quê, thôn xóm nào cũng có câu lạc bộ bóng chuyền hơi, văn nghệ, những con đường hoa nối từ nhà tít tắp ra tận cánh đồng. Nhà nào cũng trồng dăm ba cây cảnh, thêm hàng cau xanh cho thơm nhà đẹp xóm.
Đây cũng là điều mà NHNN chi nhánh tỉnh cùng hệ thống các TCTD trên địa bàn hướng đến trong suốt 9 năm qua, từ việc tích cực triển khai đến mở rộng mạch nguồn vốn tín dụng chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới; đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân trong tỉnh đánh giá cao.
Con đường hoa và cau dài 3km được hoàn thành nhờ công sức của người dân xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định |
*******
“Chủ động, tích cực” - đó là cụm từ mà Giám đốc NHNN tỉnh Nam Định Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh khi nói về hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Điều này có thể thấy từ việc NHNN tỉnh Nam Định đã tham mưu cùng UBND tỉnh và các sở, ngành chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách tín dụng của Chính phủ cũng như của NHNN Việt Nam một cách hiệu quả, như tổ chức hội nghị phạm vi toàn tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 67/QĐ-TTg; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, văn bản thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP…
Với trách nhiệm là ủy viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Giám đốc NHNN tỉnh đã chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng đối với các TCTD trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng từ năm 2012, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh cho vay xây dựng nông thôn mới và thực hiện báo cáo tiến độ cho vay xây dựng nông thôn mới hàng tháng và đột xuất liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: báo cáo tình hình cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; các báo cáo sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện chương trình… Định kỳ các TCTD thực hiện đánh giá, phân tích tình hình thực hiện chính sách tín dụng tại các xã xây dựng nông thôn mới, để từ đó có những điều chỉnh về kế hoạch phát triển tín dụng cho phù hợp.
NHNN tỉnh cũng yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai thực hiện việc phối hợp với ngành Nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng thêm đi sâu vào đời sống từ năm 2016 với việc NHNN tỉnh đã triển khai Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Hội nông dân, Hội phụ nữ và ngân hàng; Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là nhu cầu vốn đối với lĩnh vực ưu tiên.
NHNN chi nhánh tỉnh đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Tổ chức các hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. NHNN tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại địa bàn nông thôn, phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng đã chủ động tìm giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận vốn ngân hàng.
Vốn tín dụng và chương trình an sinh xã hội của hệ thống ngân hàng hỗ trợ trực tiếp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định |
*******
Công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi đây không chỉ đặt lên vai hai chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mà có sự tham gia của hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn.
Cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các chương trình tín dụng hỗ trợ gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp được các TCTD đẩy mạnh vào đời sống, như chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các TCTD hướng nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP). Đồng thời, khuyến khích các TCTD tiếp tục triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.
Những nỗ lực của NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định và hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã góp phần đưa tăng trưởng dư nợ tín dụng nông thôn mới của tỉnh bình quân trong giai đoạn 2010-2019 tăng 26,4%. Tính đến đầu tháng 10/2019, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại 209 xã của tỉnh đạt 31.984 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,4% trong tổng dư nợ cho vay đối với xã xây dựng nông thôn mới. Số khách hàng còn dư nợ là 210.440 khách hàng (hộ dân 209.568; doanh nghiệp 860; HTX 12). Bình quân dư nợ mỗi xã xây dựng nông thôn mới đến tháng 10 là 153 tỷ đồng/xã, tăng 103 tỷ đồng/xã so với năm 2011.
Đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, góp phần đưa thu nhập của người dân ở nông thôn trong năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn Nam Định có sự thay đổi mạnh mẽ, số hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%.
“Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, có thể thấy kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Điều này cho thấy nguồn vốn vay ngân hàng là nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho các xã đạt số lượng tiêu chí nông thôn mới được nhiều hơn…”, lãnh đạo NHNN tỉnh cho biết.
*******
Cộng hưởng thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2010-2020, một số TCTD đã tích cực hỗ trợ các địa phương trong xây dựng nông thôn mới với số tiền trên 150 tỷ đồng, xây dựng hàng chục trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, xây dựng trạm xá 3 tỷ đồng, xây nhà tình nghĩa, xây dựng cầu, nhà ở cho phụ nữ nghèo…, góp phần trực tiếp vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các xã nông thôn mới.
Vốn tín dụng và chương trình an sinh xã hội của hệ thống ngân hàng hỗ trợ trực tiếp xây dựng nông thôn mới đã giúp các địa phương hoàn thiện từng bước cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông… làm diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hàng trăm nghìn hộ nông dân đã có nghề nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu, đời sống người dân được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chia sẻ về định hướng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định cho biết:“Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, thôn; huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Hòa mình cùng kế hoạch này, Giám đốc NHNN tỉnh cho biết, Chi nhánh NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình tín dụng khác của NHNN Việt Nam gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển bền vững, hiện đại.