Chung sức vì nông thôn mới ở xứ Quảng
Xây dựng nông thôn mới: Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí khó | |
Nông thôn mới lỡ hẹn với tiêu chí điện | |
Thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới |
Quảng Nam vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020. 10 năm trước, khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam được đánh giá là có xuất phát điểm thấp, bình quân số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn tỉnh chỉ là 2,61 tiêu chí/xã, trong đó có 48 xã chưa đạt tiêu chí nào.
Ảnh minh họa |
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay toàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 41,67% tổng số xã), không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh là 14,27 tiêu chí/xã (tăng 11,66 tiêu chí/xã so với năm 2010)... Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã xác định xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 với phương châm: “Xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; từ xã nông thôn mới, lên xã nông thôn mới nâng cao, rồi xã nông thôn mới kiểu mẫu...”.
Chung sức vì nông thôn mới, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn nỗ lực triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn. Giữ vị trí quan trọng và vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được ngành Ngân hàng luôn xác định ưu tiên đầu tư vốn tín dụng; Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Cụ thể, tín dụng ngân hàng trong thời gian qua luôn ưu tiên tập trung vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, dư nợ cho vay nông thôn mới chiếm tỷ trọng cao và tăng đều qua các năm. Từ 1 xã/11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới trên toàn quốc, với dư nợ ban đầu đạt 17,8 tỷ đồng vào cuối năm 2010, sau hơn 8 năm triển khai, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 204 xã trên địa bàn. Đến thời điểm 30/6/2019, doanh số cho vay từ đầu chương trình đạt 34.074,68 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 22.370 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại đạt trên 11.704 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 189.168 khách hàng, chiếm 16,91% dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, theo đại diện NHNN chi nhánh Quảng Nam, các TCTD trên địa bàn luôn công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng vay vốn; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức thấp nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các TCTD tích cực mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Số lượng TCTD trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 chi nhánh TCTD... tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Ngân hàng mở rộng tín dụng đến các huyện miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn, phát triển dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu chu chuyển vốn, phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.