Nâng cao hơn nữa hiệu quả xử lý nợ xấu
2 năm triển khai Nghị quyết 42: Vẫn còn vướng nhiều rào cản | |
Phó Thủ tướng tin nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% |
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế |
Tuy nhiên, đại diện các TCTD cũng nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 cần sớm được tháo gỡ để nâng cao hơn nữa hiệu quả của tiến trình xử lý nợ xấu, tạo tiền đề để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: Cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra
Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều nhóm mục tiêu của Chiến lược phát triển ngân hàng trong giai đoạn 2018-2020 được đánh giá có khả năng hoàn thành. Kết quả này có được là nhờ hầu hết các giải pháp trong 11 nhóm nhiệm vụ đã được ngành Ngân hàng thực hiện quyết liệt, đúng nội dung và lộ trình đặt ra.
Kết quả đạt được là đáng khích lệ, tuy nhiên, để tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX), đạt được các mục tiêu của Chiến lược, toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược; trong đó tập trung vào một số vấn đề như:
Đối với các TCTD: Tiếp tục tái cơ cấu và XLNX theo đúng các đề án/phương án đã được phê duyệt. Trong đó tái cơ cấu một cách thực chất, với tư duy đổi mới, vì lợi ích lâu dài của chính bản thân TCTD và trách nhiệm với Ngành, với xã hội. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Chiến lược phát triển của đơn vị mình, phù hợp với các định hướng của Chiến lược Ngành…
Về hoàn thiện thể chế chính sách: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo các nhiệm vụ đã đề ra tại Chiến lược; Tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành với thông lệ quốc tế để tìm ra những điểm chưa phù hợp, có lộ trình thích hợp để hoàn thiện.
Về điều hành CSTT, tín dụng, ngoại hối: Tiếp tục cải thiện mức độ độc lập của NHNN theo hướng đảm bảo tính độc lập của NHNN trong điều hành các công cụ CSTT; Tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để sử dụng linh hoạt các công cụ nhằm đạt được mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ; Củng cố dự trữ ngoại hối khi có điều kiện thuận lợi và đổi mới công tác quản lý đầu tư dự trữ ngoại hối.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế để triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trên lãnh thổ; Tiếp tục tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Về hoạt động thanh toán: tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó chú trọng cơ chế, chính sách cho những phương tiện và dịch vụ thanh toán có ứng dụng công nghệ mới; tăng cường an ninh bảo mật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng; đồng thời, bố trí nguồn nhân lực thích hợp để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước đối với mô hình ngân hàng số.
Về hoạt động thanh tra, giám sát: Giám sát chặt chẽ việc triển khai công tác tái cơ cấu và XLNX của các TCTD. Trong đó, tái cơ cấu với hai mục tiêu đồng thời: xử lý yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD thích ứng với điều kiện mới. Khẩn trương nghiên cứu, lựa chọn ngân hàng có tiềm năng để đề xuất biện pháp đầu tư trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt được mục tiêu có ít nhất 1-2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực vào cuối năm 2020. Vì theo đánh giá của Viện Chiến lược ngân hàng, nếu không có sự đầu tư thích đáng thì cuối năm 2020 Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu này.
Triển khai có hiệu quả trong toàn hệ thống phương pháp thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro đồng thời tăng cường TTGS hợp nhất đối với các TCTD, đặc biệt đối với 8 nhóm công ty được xác định là tập đoàn tài chính… Ngoài ra, những hoạt động của Ngành cần được truyền thông kịp thời để hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo điều hành của NHNN...
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là kim chỉ nam cho ngành Ngân hàng trong suốt thời kỳ của Chiến lược và hết sức có ý nghĩa đối với giai đoạn tái cơ cấu hệ thống các TCTD như hiện nay. Với sự triển khai Chiến lược một cách khoa học, sự giám sát chặt chẽ có hệ thống, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đề ra, tiếp tục đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đưa ngành Ngân hàng Việt Nam lên một vị thế mới, vị thế xứng đáng trong khu vực.
Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank: Chưa có sự đồng nhất trong triển khai chính sách
Nghị quyết 42 ra đời là hành lang pháp lý rất quan trọng cho các TCTD. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan là tích cực, chủ động hơn. Các ngân hàng bình đẳng hơn trong thu hồi nợ, khi phát sinh nợ xấu, ý thức trách nhiệm của khách hàng cũng cao hơn. Có thể nói Nghị quyết 42 có tác động rất lớn đến XLNX của Agribank. Theo đó, kể từ sau khi Nghị quyết này ra đời, Agribank thu hồi 110 nghìn tỷ đồng, trong đó thu hồi từ khách hàng là 60.000 tỷ đồng.
Tuy đạt được những kết quả rất khả quan, nhưng Agribank cũng vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42. Theo quy định của Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu phải được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, giảm nghĩa vụ nợ cho khách hàng; song thực tế triển khai, nhiều tài sản bán đấu giá thành công, thu hồi nợ dưới giá gốc nhưng cơ quan thuế các địa phương áp dụng khác nhau, kéo dài thời gian không được sang tên và sử dụng tài sản đó để kinh doanh khiến người mua thiệt hại.
Bản thân khách hàng dù đã phải trả nợ dưới giá gốc, lại còn bị trừ thuế rất bất lợi. Hoặc có những khoản nợ ngân hàng phải trả chậm trong 20 năm nhưng cơ quan thuế đòi nộp thuế ngay 40 tỷ đồng.
Chưa kể, ngân hàng còn gặp khó khăn từ phía tòa án. Đơn cử, khách hàng vay tại một chi nhánh Agribank ở TP.HCM thế chấp có TSBĐ ở Bình Dương. Qua 10 năm phối hợp xử lý, khách hàng đồng ý cho đấu giá. Sau 13 lần đấu giá đã thành công. Bất cập ở chỗ, sau khi khách hàng mua thanh toán đầy đủ nghĩa vụ cho ngân hàng thì UBND tỉnh Bình Dương lại không chịu chuyển đổi giấy tờ sở hữu cho người mua dù họ đã thanh toán đầy đủ cho ngân hàng. Nguyên do, khách hàng có nợ xấu đã đề nghị với tòa án là có vi phạm trong đấu giá và khách hàng này tự nguyện trả nợ.
Sau đó, Tòa án nhân dân Quận 7 đã dùng biện pháp ngăn chặn tạm thời kéo dài cả năm nay, gây khó khăn thiệt hại lớn cho người mua và cả ngân hàng chỉ vì một đơn tố cáo không minh bạch, dù khách hàng có nợ xấu đã đồng ý đấu giá tới 13 lần. Mặc dù Bộ Tư pháp đã có thanh tra kiểm tra và kết luận khẳng định cuộc đấu giá theo đúng quy trình và Thủ tướng cũng có văn bản chỉ đạo nhưng Tòa án nhân dân Quận 7 vẫn thụ lý và không cho phép khách hàng mua được chuyển nhượng. Như vậy, dường như Tòa án nhân dân Quận 7 đã không làm theo tinh thần Nghị quyết.
Đối với áp dụng thủ tục rút gọn, trong 2 năm qua, Agribank mới chuyển 10 vụ sang tòa án để thực hiện thủ tục rút gọn. Nhưng thực tế chưa có vụ nào được xử rút gọn. 1 vụ hòa giải, còn lại đều được tòa hướng dẫn chuyển sang thủ tục thông thường. Thực tế triển khai mới thấy cách hiểu các tòa tại địa phương cũng rất khác nhau gây khó khăn cho các ngân hàng trong thu hồi TSBĐ.
Ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB: Tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các TCTD
Trong 2 năm qua, VIB đã thu giữ thành công gần 100 BĐS với giá trị hàng trăm tỷ đồng, giúp giảm tương ứng số lượng nợ xấu liên quan, đồng thời giảm đáng kể thời gian và công sức so với việc phải thông qua các tố tụng thông thường. Để áp dụng Nghị quyết 42 và đạt được những kết quả như vậy, VIB đã có những điều chỉnh về chiến lược XLNX và quy trình nội bộ của ngân hàng.
Cụ thể, chúng tôi thực hiện rà soát, phân loại lại TSBĐ của các loại nợ xấu đủ điều kiện để thu giữ theo Nghị quyết 42, ưu tiên áp dụng biện pháp thu giữ với những tài sản có yếu tố chống đối thấp như nhà cho thuê, nhà không có người ở, đất trống… Chúng tôi cũng chuẩn bị kỹ lưỡng quy trình trước, trong và sau ngày thu giữ.
Sau 2 năm thực hiện công tác này, VIB nhận thấy, XLNX sẽ còn hiệu quả hơn nữa nếu có giải pháp khắc phục những vấn đề sau. Trước hết là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mặc dù hầu hết các địa phương đều phối hợp với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản nhưng còn một số chính quyền địa phương vẫn chưa hiểu rõ trách nhiệm phối hợp với các TCTD. Một số chính quyền địa phương cho rằng khi khách hàng có nợ xấu thì ngân hàng phải khởi kiện ra tòa để đòi tiền, xử lý TSBĐ. Chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan thi hành án khi bản án có hiệu lực tại tòa.
Tiếp đó là sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý TSBĐ của ngân hàng đã thu giữ thành công theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp chủ tài sản hoặc người liên quan gửi đơn yêu cầu ngăn chặn các văn phòng đăng ký đất đai một cách vô căn cứ, các cơ quan này vẫn không sang tên, chuyển nhượng tài sản khiến ngân hàng không thể hoàn tất thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, do vậy không thu hồi được nợ xấu.
Thứ ba là thiếu hướng dẫn cụ thể về phương án tố tụng theo hình thức rút gọn, về nghĩa vụ giao TSBĐ thu giữ không thành trong trường hợp thu giữ không thành. Hiện nay, hầu hết các tòa đều không nhận thụ lý các đơn khởi kiện theo thủ tục rút gọn của ngân hàng hoặc nếu có giải quyết thì thời gian rất kéo dài dẫn đến việc thủ tục rút gọn hầu như không còn ý nghĩa.
Chúng tôi cho rằng, nên có một nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Công an quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSBĐ để XLNX, cũng như các chế tài cụ thể nếu các cơ quan này không thực hiện.
Có các văn bản cụ thể để hướng dẫn tòa án, viện kiểm sát nhân dân các cấp về thụ lý, xử lý các vụ án theo thủ tục tục rút gọn về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu. Có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tập huấn cho hệ thống văn phòng đăng kí đất đai của các cấp của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc xử lý các đơn thư, ngăn chặn đối với các tài sản thu giữ thành công theo Nghị quyết 42 của các TCTD…
Ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng giám đốc VAMC: Còn độ vênh chính sách
Điều lớn nhất mà Nghị quyết 42 mang lại là ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên. Đứng ở góc độ VAMC tôi thấy, sau khi thực hiện Nghị quyết 42, tốc độ xử lý thu hồi nợ của VAMC tăng lên rất lớn, thu hồi được 56% nợ lũy kế từ khi thành lập 2013 đến nay (tức trong 2 năm thu được 56% nợ lũy kế).
Nhưng cũng như các TCTD, VAMC đang gặp phải một số vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42. Như việc đấu giá thành công TSBĐ khoản nợ xấu nhưng không sang tên, chuyển nhượng được. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc giữa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đấu giá.
Cụ thể, Luật Đấu giá không đòi hỏi người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực kinh doanh BĐS. Còn Luật Kinh doanh BĐS lại đòi hỏi điều kiện rất cụ thể về người tham gia kinh doanh BĐS. Trong khi đơn vị đấu giá lại không có nghĩa vụ phải thẩm định người tham gia đấu giá. Chính vì sự chưa thống nhất, chồng chéo giữa các quy định tại các điều luật khiến cho việc chuyển nhượng sang tên các dự án đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân nữa, hiện tại, có nhiều dự án, các địa phương yêu cầu chủ đấu giá hoặc VAMC phải thực hiện thay nghĩa vụ nộp thuế cho bên thế chấp thì mới được sang tên, chuyển nhượng. Đây là vướng mắc lớn đối với VAMC trong hoạt động thu hồi, XLNX.
TP.HCM: Cam kết chỉ đạo sở, ngành hỗ trợ xử lý nợ xấu Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ngay sau Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung phối hợp triển khai đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với XLNX. Song song với đó, chính quyền thành phố đã đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các tổng công ty Nhà nước ở địa phương tại ngân hàng. Theo ông Tuyến, mặc dù mới triển khai được 2 năm nhưng Nghị quyết 42 đã tạo ra được những thay đổi căn bản trong nhận thức và trách nhiệm của người vay vốn, tạo thuận lợi rất nhiều không chỉ đối với người vay vốn mà còn tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng ngân hàng. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2019 các TCTD tại TP.HCM đã thu hồi được trên 72.800 tỷ đồng nợ xấu, trong đó thu hồi bằng tiền khách hàng tự trả nợ và bán TSĐB… Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ nghiên cứu để ban hành những quy định cụ thể về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất. Bởi hiện nay, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập và chưa được xử lý thống nhất ở các địa phương dẫn tới mỗi nơi thực hiện theo một trình tự khác nhau. Ông Trần Vĩnh Tuyến đưa ra ví như việc đăng ký thế chấp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức kinh tế… chưa có những hướng dẫn cụ thể nên còn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để xử lý một khoản nợ. Bên cạnh đó, hiện nay dữ liệu liên quan đến đất đai còn chưa đồng bộ dẫn đến cơ quan liên quan muốn lấy thông tin đất đai phải tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau mất nhiều thời gian. Vì thế Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng hệ thống thông tin giao dịch đảm bảo dùng chung, thống nhất trên toàn quốc để tạo điều kiện cho các bên tra cứu nhanh chóng, đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ và TSĐB nợ. Về phía thành phố, ông Tuyến cũng khẳng định, UBND TP.HCM sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD, đặc biệt là các TCTD trong nhóm trung bình và yếu tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, giải pháp theo lộ trình đã đề ra và đã được NHNN Việt Nam, Chính phủ phê duyệt. Thành phố cũng sẽ chỉ đạo các sở ngành tiếp tục phối hợp với hệ thống TCTD đẩy mạnh các hoạt động tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước tại các ngân hàng. Đồng thời chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích các sở, ngành, các TCTD đổi mới quy trình làm việc, gia tăng ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo thực hiện ba nhiệm vụ lớn là: cải cách hành chính - thanh toán; phát triển thương mại điện tử và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, UBND TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng với ngành Ngân hàng để kiến nghị Chính phủ và Quốc hội nhằm xử lý nhanh, dứt điểm những tồn tại, hạn chế về mặt thủ tục hành chính có liên quan trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, nhất là những khó khăn liên quan đến các bộ ngành, địa phương như quá trình, cách thức phối hợp thu giữ TSĐB, công tác thi hành án, thủ tục rút gọn tại tòa, thủ tục khai nộp và các ưu đãi về thuế khi XLNX tại các TCTD. Thạch Bình |