Nâng tầm nông sản Việt
Sản phẩm đạt chuẩn mới tiêu thụ mạnh | |
Đưa nông sản vào kênh bán lẻ hiện đại: Cần cái “bắt tay” thật chặt chẽ | |
Để người dân được tiếp cận nông sản sạch tốt hơn |
Chuyến “mở hàng” đầu tiên
Mới đây, tại cảng Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam), những lô hàng trái cây đầu tiên của Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi, trực thuộc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), đã được xuất khẩu đi thị trường quốc tế. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng của một “ông lớn” trong ngành công nghiệp nay đang đầu tư vào nông nghiệp.
Một số sản phẩm máy nông nghiệp của Thaco |
Trước niềm vui, sự kỳ vọng từ những lô hàng đầu tiên, nhiều người đã nghĩ tới hình ảnh, trên những chuyến tàu chở linh kiện, máy móc ô tô từ các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản đến Chu Lai, khi về sẽ đầy ắp những lô hàng trái cây, hay các sản phẩm nông nghiệp khác đã được chế biến sâu từ Việt Nam.
Trong chuyến “mở hàng” đầu tiên, 30 container chuối của Thadi từ cảng Chu Lai - Trường Hải được xuất khẩu sang Thanh Đảo (Trung Quốc). Lô hàng này có trị giá hơn nửa triệu USD, mỗi container là 20 tấn chuối, với giá xuất khẩu bình quân 18 nghìn USD mỗi container. Số chuối xuất khẩu này được thu hoạch từ nông trường của Hoàng Anh Gia Lai, trồng tại Lào và Campuchia.
Được biết, Thadi đang là đối tác chiến lược của CTCP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Trong đó, Thadi sẽ tập trung xuất khẩu trái cây của HNG sang các thị trường cao cấp; bao tiêu trái cây để chế biến; cung cấp dịch vụ kho lạnh, dịch vụ vận chuyển cảng và xuất nhập khẩu cho HNG. Với sự hợp tác này, nhiều người kỳ vọng mặt hàng chuối xuất khẩu của Việt Nam sẽ có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản và còn mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng khác, trong tương lai gần...
Hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, Thaco cũng đã khởi công dự án KCN Nông - lâm nghiệp đặt tại Quảng Nam. KCN này có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng 8.118 tỷ đồng... Đây là KCN nông nghiệp tập trung mà trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng, công nghệ và kỹ thuật canh tác, đến thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng nguyên liệu nông sản cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cùng các nước bạn Lào và Campuchia.
Đặc biệt, KCN này khi đi vào hoạt động sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên chuỗi giá trị sản xuất chế biến xuyên suốt, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, hình thành trung tâm sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp cho Quảng Nam và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dự án sẽ góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Nam, nhất là tạo điều kiện chuyển từ một nền nông nghiệp sản xuất thô, manh mún như hiện nay sang sản xuất hàng hóa, chế biến chuyên sâu, nguyên liệu an toàn. Từ đó, góp phần nâng cao đáng kể đời sống của người nông dân.
Đưa công nghiệp vào nông nghiệp
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco đã khẳng định, trong năm 2019, Thaco tiếp tục lấy cơ khí và ôtô là mảng kinh doanh chủ lực. Bên cạnh đó, là phát triển các ngành sản xuất kinh doanh khác có tính chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, có khả năng bổ trợ cho nhau như nông nghiệp, đầu tư xây dựng giao thông, logistics. Thaco đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành và góp phần nâng tầm nông sản Việt trên trường quốc tế.
Việc chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được Thaco chuẩn bị bài bản và có kế hoạch dài hơi. Cũng theo ông Trần Bá Dương, với tâm huyết đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà, Thaco đã và đang đầu tư toàn diện, đồng bộ với nguồn lực lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới trong 10 năm tới theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
Trên cơ sở đó, từ năm 2017, Thaco đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với những đột phá về quản trị và ứng dụng công nghệ cao khép kín chuỗi giá trị nông nghiệp. Theo đó, công ty đã hợp tác với đối tác Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến đầu năm 2018, nhà máy đã đi vào hoạt động cùng với việc thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc.
Cũng trong năm 2018, Thaco đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và HNG (Thaco sở hữu 35% cổ phần của HNG). Ngay sau đó, Thaco đã ứng trên 10.500 tỷ đồng để giúp HNG tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; Quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ. Mới đây nhất, để phù hợp với thực tiễn, Thaco và Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết phụ lục hợp đồng hợp tác để điều chỉnh một số điều khoản cho hợp tác chiến lược cho nông nghiệp cây ăn trái trong thời gian tới.
Ngoài bắt tay với Hoàng Anh Gia Lai, Thaco cũng đã đầu tư khu công nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn tại Thái Bình. Đặc biệt, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Thaco đã thành lập Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi. Đến nay, Thaco đã và đang tập trung đầu tư các khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp sản xuất bao gồm: tổng kho, các nhà máy chế biến trái cây, ngũ cốc và thực phẩm, dịch vụ và thương mại nguyên liệu ngành gỗ, các nhà máy sản xuất đồ gỗ, vật tư nông, lâm nghiệp, logistics trên toàn chuỗi sản xuất kinh doanh nông nghiệp...
Có thể nói, những năm gần đây ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang có những bước tiến vững chắc, song không thể phủ nhận vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc đang có đến 80 - 90% sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, do đó, giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá... Bởi vậy, với việc những “ông lớn” như Thaco hay Vingroup... đầu tư bài bản vào nông nghiệp đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những “cú hích” cho nền nông nghiệp nước nhà, nâng cao sức cạnh tranh trong cuộc CMCN 4.0.