Để người dân được tiếp cận nông sản sạch tốt hơn
Khởi nghiệp từ nông sản sạch | |
Nông sản sạch gian nan tìm đầu ra | |
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn |
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, đến nay sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ mới đáp ứng được từ 15% - 20% nhu cầu thực phẩm của người dân. Tuy vậy, ngành nông nghiệp thành phố đã không ngừng tập trung phát triển xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn, hỗ trợ các cơ sở áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP), để chủ động nguồn thực phẩm sạch, chất lượng tốt đưa ra thị trường tiêu thụ.
Và mặc dù chưa chủ động được đủ nguồn cung, nhưng đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 1.000 cơ sở, cá nhân sản xuất rau quả đạt chứng nhận VietGAP với tổng diện tích canh tác 1.400 ha, sản lượng dự kiến 130.000 tấn/năm. Đặc biệt là hiện nay, đã phát triển thêm được trên 500 doanh nghiệp mới, đưa tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản đang hoạt động tại thành phố hiện nay là gần 1.500.
Nông nghiệp thành phố hướng đến sản phẩm sạch ra thị trường |
Ngoài hệ thống phân phối là các trung tâm mua sắm, siêu thị và chợ truyền thống lớn, người tiêu dùng thành phố đã có thêm 10 địa điểm chợ phiên nông sản an toàn, với 14 kỳ chợ phiên trong 3 tháng. Tuy là chợ phiên, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông, với hơn 225 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nuôi trồng nông sản thực phẩm an toàn. Qua các kỳ chợ phiên, doanh nghiệp đã kết nối tiêu thụ nông sản với số lượng đơn đặt hàng có giá trị ước 16,83 tỷ đồng/tháng.
Theo bà Nguyễn Bích Nam, Chủ tịch Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch TP. Hồ Chí Minh, hiện nay hội đang tập trung vào việc liên kết và hợp tác phát triển các dự án như trang trại rau, củ quả sạch và hữu cơ, cải tạo môi trường thổ nhưỡng nông nghiệp công nghệ cao… Bên cạnh đó, hội còn chú trọng hỗ trợ xây dựng các tiêu chí và hướng dẫn về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp sạch và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam và quốc tế; phối hợp với các nước để xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm sạch để xuất khẩu.
Đồng thời, hội cũng làm đầu mối kết nối đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản sạch, thúc đẩy liên kết trong và ngoài nước nhằm xây dựng một số mô hình trang trại sạch áp dụng công nghệ sinh học theo quy trình quốc tế. Ngay từ đầu năm 2019, hội đã làm việc với các tổng lãnh sự, thương vụ, tham tán thương mại một số nước tại Việt Nam để hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, với các nhà đầu tư để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch.
Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế là hiện nay các sản phẩm nông sản chưa được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhiều mặt hàng có mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao khiến người dùng có nguy cơ bị ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp sạch, thông qua việc thường xuyên tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn, để người dân tiếp cận và mua sắm nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Từ năm 2019, thông qua Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập hợp, kết nối tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch, nông sản hữu cơ với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và phát triển ngành chế biến nông sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho việc cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống của nông dân, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.