Nên tăng ngân sách tài trợ cho nghiên cứu khí hậu
Thỏa thuận cho đầu tư xanh | |
Việt Nam và WB ký hiệp định 560 triệu USD hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu | |
WB hỗ trợ 310 triệu USD khắc phục biến đổi khí hậu |
“Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới về thiệt hại do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra với mức thiệt hại mỗi năm lên tới 1,9 tỷ USD, tương đương với 1,3% GDP. Những năm gần đây thiên tai, đặc biệt là bão lũ, hạn hán ngày càng tăng về cường độ và tần suất. Mỗi năm có tới 6 đến 8 cơn bão với cường độ mạnh, mùa bão kết thúc muộn hơn và bão đang có xu hướng dịch chuyển về phía Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển, ngày 25/10/2016.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Việt Nam đã có chiến lược hành động thực hiện Thỏa thuận Paris ứng phó với biến đổi khí hậu (đã thông qua tháng 12/2015).
Nhưng “chỉ với nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ nỗ lực giảm được phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030, nhưng nếu có sự hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ quốc tế, Việt Nam sẽ giảm được 25%”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Những tác động của biến đổi khí hậu với các kịch bản khác nhau đã được Ủy Ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nghiên cứu và chỉ ra.
Ông Hans-Otto Pörtner (IPCC) đã cho thấy hình ảnh đại dương đang bị hủy hoại vì axit hóa,thủy sinh bị hủy hoại và hình ảnh các rạn san hô đang trắng hóa. Ông cảnh báo nguy cơ đại dương sẽ trở thành sa mạc; nếu nhiệt độ trái đất cứ tăng với tốc độ này thì đại dương sẽ nhanh chóng mất đi tới 95% rặng san hô và các vùng axit hóa lan rộng. Nhiệt độ trái đất cũng đang nóng dần lên kéo theo nước biển dâng; và Việt Nam đều đang có cả 3 hiện tượng này. Những hiện tượng này sẽ gây nên những tác động rất tiêu cực tới phát triển kinh tế, an ninh lương thực và đời sống người dân…
IPCC kêu gọi các quốc gia cùng nhau nỗ lực hơn nữa thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, giữ sao cho nhiệt độ trái đất có tăng lên cũng không vượt quá 1,5 độ C.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, dữ liệu của cả IPCC và Việt Nam cũng cho thấy để đạt được các mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ theo Thỏa thuận Paris, cả thế giới sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần có những nỗ lực hết sức nghiêm túc để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Nhiều phân tích rất đáng chú ý về các khía cạnh khác nhau của biến đổi khí hậu đã và đang được thực hiện ở Việt Nam.
Theo bà Pratibha Mehta, ngoài các hỗ trợ quốc tế về nghiên cứu và phân tích khí hậu, Chính Phủ Việt Nam nên phân bổ thêm ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khí hậu. Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Việt Nam (VPCC) nên khởi xướng một số đề tài hợp tác nghiên cứu lớn ở Việt Nam về tác động của biến đổi khí hậu và các khía cạnh thích ứng cũng như về hiệu quả của các lựa chọn giảm phát thải trong các ngành khác nhau. Ví dụ như chúng ta đang ngày càng nhận thức rõ những nguy cơ về kinh tế và sức khỏe cũng như những thiệt hại thực sự gắn liền với việc không ngừng gia tăng ô nhiễm do hoạt động sử dụng than đá làm nhiên liệu sản xuất điện và trong công nghiệp…
“Rất tiếc là mọi người, từ người dân thường đến các nhà khoa học, các nhà kinh tế hay chính khách… ai ai cũng chịu tác động từ biến đổi khí hậu ở những tác động khác nhau”, chuyên gia UNDP phát biểu. Bà nhắc lại “Năm 2016 cho thấy Việt Nam đã hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu lớn đến mức nào. Biến đổi khí hậu và bão lũ đã cướp đi nhiều sinh mạng và của cải của Việt Nam. Công tác truyền thông là rất quan trọng. Cần cho người dân biết rõ hơn về biến đổi khí hậu và chiến lược của quốc gia và cách hành động của mỗi người”.