Nếu đồng thuận, lãi suất vẫn có thể giảm
Nhiều thách thức với mục tiêu giảm lãi suất | |
Giảm lãi suất gặp nhiều thách thức | |
Ổn định và giảm lãi suất ngay khi có thể |
Ông Nguyễn Đức Hưởng |
LienVietPostBank là NH tiếp theo trong đợt giảm lãi suất huy động (LSHĐ) lần này với mức giảm từ 0,1 – 0,4%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Đâu là lý do khiến NH này điều chỉnh giảm mạnh LSHĐ? Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng cho biết:
Trước tiên nguồn vốn của LienVietPostBank đang khá bền vững. Thứ hai là hưởng ứng kêu gọi của Thống đốc NHNN giữ ổn định, không để lãi suất tăng. Thực tế, giai đoạn này chưa có nhiều yếu tố tác động đến mức các NH phải chạy đua tăng lãi suất. Có thể sắp tới, nhiều NH cũng phải giảm LSHĐ, tiết kiệm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ, giữ chân khách hàng. NH chúng tôi đón đầu, giảm trước sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
Ông có lo ngại lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn huy động?
Cũng có thể nhưng tôi nghĩ giảm rất ít. Bởi hiện tại các NH phải cạnh tranh bằng dịch vụ. Và khách hàng tin tưởng vào chất lượng hoạt động NH chứ không vì chút ít lãi suất mà chuyển sang NH khác. Rút kinh nghiệm thời gian qua, biến động lãi suất chỉ là tức thời, nên việc rút tiền trước hạn sẽ khiến khách hàng bị thiệt khi mất số tiền lãi đáng nhẽ được hưởng đủ thì lại chỉ được lãi suất không kỳ hạn.
Vậy, theo ông vì sao vừa qua một số NH lại tăng LSHĐ?
Có một số lý do tạo áp lực nhất định lên lãi suất trong thời gian vừa qua. Đó là nhu cầu huy động vốn của các NH tăng để đáp ứng vốn cho các hợp đồng tín dụng đã được ký từ cuối năm ngoái, nhưng chưa được giải ngân. Hai là các NH phải tăng cường vốn trung, dài hạn để đáp ứng quy định Thông tư 06 của NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống chỉ còn 50% trong năm 2017. Đây là lý do “phổ thông” nhất của các NH thời điểm này.
Khách hàng tin tưởng vào chất lượng hoạt động NH chứ không vì chút ít lãi suất mà chuyển sang NH khác |
Kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhanh hơn, các NH dự đoán cầu vốn sẽ nhiều hơn nên đã chủ động chuẩn bị sẵn cung vốn để phục vụ khách hàng, nhưng sẽ không bằng mọi giá. Chúng ta có nhiều bài học, đối với khách hàng vay trên 5% nhu cầu vốn bình thường với lãi suất nào cũng vay báo hiệu nguy cơ rủi ro trong tương lai khi dự án “chết”.
Tôi cho rằng, trong đợt tăng lãi suất vừa qua, chính các NH đã tự làm khó mình. Vì tăng lãi suất đầu vào, NH lại phải tăng lãi suất đầu ra để đảm bảo lợi nhuận. Còn với DN kinh doanh thông thường khó có thể vay lãi suất cao, còn nếu DN vay bằng mọi giá thì lại rủi ro cho NH. Vấn đề ở đây, áp lực lên lãi suất tuy là có nhưng không đến mức các NH phải tăng LSHĐ cao như vậy.
Thậm chí, nếu NH đồng lòng vẫn có thể giảm lãi suất. Nếu 10 NH lớn nhất hệ thống đồng thuận, thì các NH nhỏ có phá rào cũng không có ý nghĩa gì. Nhưng qua đây, tôi cho rằng, NHNN nên tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động các TCTD, để tránh hiện tượng các TCTD phá trần lãi suất gây sức ép, căng thẳng giả tạo trên thị trường. Nếu không chấn chỉnh kịp thời lại tạo ra một cuộc đua lãi suất ảnh hưởng đến hệ thống.
Đang có những đề xuất nên bỏ trần LSHĐ cả VND và USD, quan điểm của ông về vấn đề này?
Về lý thuyết, lãi suất theo cơ chế thị trường thuận mua, vừa bán. Ở Việt Nam cũng đang hướng tới nền kinh tế thị trường nhưng có quản lý điều tiết Nhà nước. Trong phạm vi hẹp hơn là hệ thống NH. Trên thực tế không phải NH nào tham gia sân chơi này cũng sòng phẳng, cùng một văn hóa giống nhau mà vẫn có những tiểu xảo nhất định chưa thực sự vì cái chung. Nếu vẫn còn những NH như vậy cần có công cụ quản lý của NHNN để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo.
Thực tế, thời gian qua, các bạn thấy thỉnh thoảng thị trường lại có sóng, nếu không có công cụ chính sách của NHNN khó có thể kiểm soát an toàn hoạt động của hệ thống. Tất nhiên đồng thuận vẫn là tốt nhất. Nhưng trước mắt thời điểm này, chưa nên bỏ trần lãi suất.
Cũng để hạn chế sức ép lên lãi suất VND, tôi mạnh dạn đề xuất lần nữa đối với NHNN đưa lãi suất huy động USD lên khỏi mặt đất có thể là 0,25%/năm thay vì 0% như hiện nay. Nhất là khuyến khích huy động kỳ hạn dài để hút được nguồn ngoại tệ từ trong nước cũng như ngoài nước (huy động cá nhân trong nước và nguồn kiều hối –pv) nhằm giảm bớt áp lực cầu VND. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi, phát triển, chắc chắn có nhiều dự án lớn. Mà những dự án này cần vốn trung, dài hạn. Vì vậy, theo tôi đã đến lúc “cho phép” lãi suất USD vào trợ lực cho VND.
Thời gian tới, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Nếu để mạnh ai người ấy làm sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nói chung, và hai bộ ngành liên quan nói riêng.
Xin cảm ơn ông!