Ngân hàng kỳ vọng tăng thu dịch vụ
Dịch vụ mở tài khoản thanh toán online: Giải pháp tối ưu cho DN | |
Chuyển dịch cơ cấu, doanh thu bền vững hơn | |
OCB và Bảo hiểm Bảo Việt hợp tác phát triển dịch vụ |
Tín dụng chuyển dịch
Trên thực tế, lợi nhuận hệ thống NH trong năm qua có được vẫn chủ yếu nằm ở mảng tín dụng, trung bình tỷ trọng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của các NHTM hiện nay khoảng 79%. Nếu như mọi năm, nhìn vào con số này người ta sẽ đánh giá cơ học rằng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng của các NH rất khiêm tốn, nhưng hiện nay diễn tiến đang theo chiều hướng tích cực.
NH đang nâng cao tỷ trọng doanh thu dịch vụ phi tín dụng |
Thừa nhận điều này, một lãnh đạo NHTM tại TP.HCM cho biết, kết thúc năm 2017, lợi nhuận trước thuế toàn ngành NH tăng khoảng 40% so với năm trước đó, trong đó đóng góp lớn nhất từ việc tín dụng tăng trưởng cao giúp NH cải thiện mạnh thu nhập lãi thuần.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo riêng lẻ của từng NH sẽ thấy điểm đặc biệt của năm 2017 là lợi nhuận NH cải thiện nhờ các NH đã cơ cấu tại các nhóm khách hàng cũng như chia nhỏ mảng tín dụng. Nhiều NHTM đang tập trung vào mảng bán lẻ và DNNVV nhiều hơn so với trước đây.
Sự chuyển dịch cơ cấu này, được một lãnh đạo BIDV cho biết, năm qua, NH này đạt kỷ lục về lợi nhuận, do đã tập trung đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ, DNNVV và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, năm 2017, tín dụng bán lẻ của NH tăng trưởng 33%, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng; thu nhập ròng bán lẻ tăng trưởng 35% so với năm 2016. Ngoài ra, lượng khách hàng DNNVV tăng 14% so với năm 2016 và lượng khách hàng DN FDI cũng tăng 20% so với năm 2016. Như vậy, lợi nhuận thu được dù vẫn được tính là từ tín dụng, nhưng đã có sự chuyển dịch lớn từ tín dụng cho DN lớn sang các DN nhỏ.
Tương tự, theo báo cáo tài chính riêng lẻ MB, tính đến cuối năm 2017, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của NH cũng tăng mạnh, đạt 531 tỷ đồng (tương đương tăng 34%). Từ kết quả có được, lãnh đạo các NHTM cho biết họ đang có những bước đi đúng, nên trong năm 2018, đương nhiên sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược kinh doanh này, nhất là việc phát triển bán lẻ và sẽ thu hẹp hình thức bán buôn không hiệu quả.
Phát triển đa kênh
Nói về chiến lược năm mới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, năm 2017, NH tự tin sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này có được là do NH có những chiến lược rất cụ thể trong việc bán sản phẩm tài chính, trong đó đặc biệt chú trọng mảng dịch vụ phi tín dụng.
Thực tế, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam đã không còn là một trở ngại lớn trong việc phát triển mạng lưới thẻ nói riêng và dịch vụ phi tín dụng nói chung của NH. Thế nên, năm 2018, rất nhiều NH hứa hẹn sẽ mang đến cho người tiêu dùng các dịch vụ phi tín dụng truyền thống.
Qua quan sát, có thể nhận thấy ngay từ đầu năm 2018, nhiều NH đã đầu tư rất lớn để cải thiện chất lượng các sản phẩm tài chính bán lẻ, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ vậy, các hoạt động quảng cáo cũng được đầu tư nên tỷ lệ khách hàng cá nhân tham gia vào hoạt động phi tín dụng tại các NH đã tăng rất mạnh. Hệ thống công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các dịch vụ phi tín dụng ứng dụng công nghệ cao như: giao dịch ngân hàng điện tử... cũng được mỗi NH đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, năm 2018 sẽ là năm đột phá của NH, trong đó dịch vụ bán lẻ phi truyền thống sẽ là yếu tố nền tảng tạo ra thu nhập bền vững cho ngân hàng. Cũng vì lẽ đó mà ngay từ đầu năm 2018, VietBank đã giảm lãi suất cho vay theo khuyến khích của Chính phủ và NHNN để thu hút khách hàng.
“Giảm lãi suất chúng tôi không lo giảm lợi nhuận vì phát triển dịch vụ phi tín dụng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ NH, từ đó thu hút và mở rộng khách hàng. Ngoài ra, kênh này cũng phân tán rủi ro cho NH, mang lại nguồn thu ổn định cho NH, làm tăng lợi nhuận của NHTM trong năm 2018”, ông Nhung chia sẻ.
Quả thật, ở Việt Nam, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay NH, trong khi đó, lợi nhuận NH dần dần không còn phụ thuộc chủ yếu vào dịch vụ tín dụng, đây chính là tiền đề của việc giảm lãi suất ở thì tương lai. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, NH hiện nay không chỉ hưởng chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay mà còn sống nhờ vào mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Đây mới là một kênh mang lại lợi nhuận cao cho NH…