Chuyển dịch cơ cấu, doanh thu bền vững hơn
Tạo vòng khép kín cho dịch vụ ngân hàng | |
Thu dịch vụ ngân hàng kỳ vọng vào bảo hiểm | |
Việt Nam có nhiều tiềm năng cho dịch vụ ngân hàng phát triển |
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 12/2017, các TCTD nhận thấy nhu cầu của khách hàng sử dụng dịch vụ đang tăng cao. Có 64,5% TCTD nhận định tổng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng tăng.
Các NH đã tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ có nhiều tiện ích vượt trội để tăng thu dịch vụ |
Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, trong năm 2017 thu từ dịch vụ chiếm hơn 12% trong tổng doanh thu hoạt động NH gấp ba lần so với năm trước. Hay như SCB, Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, thu dịch vụ trong năm 2017 của SCB tăng 15% so với năm 2016… Có được con số tích cực trên, theo ông Văn, thời gian qua, NH đa dạng hóa dịch vụ NH như thẻ, phát triển các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng thêm các dịch vụ tài chính, bán chéo bảo hiểm… đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng theo hướng nhiều dịch vụ một điểm đến.
Thực tế trên cho thấy chiến lược kinh doanh của các NHTM đã thay đổi, thay vì tập trung gần như toàn bộ thu từ tín dụng, các NH đã tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ có nhiều tiện ích vượt trội để tăng thu dịch vụ vốn cải thiện cơ cấu lợi nhuận bền vững hơn.
Điển hình như sản phẩm Ví Việt LienVietPostBank, khách hàng có thể sử dụng rất nhiều dịch vụ NH online như: Gửi tiền tiết kiệm, truy vấn, sao kê tài khoản, tất toán sổ tiết kiệm, vay tiêu dùng cá nhân... Ví Việt đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác chiến lược trong, ngoài nước và đến ngày 15/12/2017 đã có hơn 2 triệu người dùng dịch vụ này, đóng góp quan trọng trong lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc của NH này trong năm 2017.
Đánh giá tích cực doanh thu từ dịch vụ trong năm 2017 của hệ thống NH đã được cải thiện rõ nét nhưng tỷ lệ trong tổng doanh thu của NH vẫn còn ở mức thấp so với chuẩn mực quốc tế. Lãi từ thu dịch vụ của các NH chưa được như mong muốn, song không phải do NH thiếu sản phẩm, dịch vụ mà, theo TS. Hiếu, vấn đề ở đây là từ phía khách hàng cá nhân cũng như DN chưa sẵn sàng sử dụng nhiều dịch vụ của NH do thu nhập của họ vẫn chưa cao. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 2.300 USD. Với mức thu nhập này người dân vẫn chưa thực sự mặn mà trong sử dụng dịch vụ NH.
Thực tế đa phần người dân sống và làm việc ở thành phố lớn mới có nhu cầu sử dụng dịch vụ NH nhiều cho mục đích thanh toán chi phí sinh hoạt hàng ngày, mua sắm… “Dù các NH cũng đã nỗ lực nhưng việc tăng thu phí dịch vụ vẫn còn gặp khó khăn mà phải mất một thời gian nữa ít nhất thu nhập của người Việt ở mức bình quân 5.000 USD. Và tiến trình công nghệ hóa đẩy mạnh hơn, để nhiều người ở khu vực nông thôn, lao động chân tay sang sản xuất công nghiệp hiện đại có thu nhập cao hơn mới hy vọng người dân sử dụng nhiều dịch vụ NH hơn”, TS. Hiếu nhìn nhận yếu tố tác động đến tăng thu dịch vụ của NH.
Trong bối cảnh mà hầu hết các NH đều nhận định cơ cấu nguồn theo thu dịch vụ nhiều hơn chắc chắn áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên trong thời gian tới. Để thu dịch vụ đạt hiệu quả hơn, ông Tùng cho rằng các NH cần phải đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới hiện đại, mang tính đột phá… Còn theo ông Văn, không nhất thiết cần phải có giải pháp đột phá, quan trọng là NH chăm sóc khách hàng bằng dịch vụ tiện lợi nhất. Như SCB tiếp tục cung cấp các dịch vụ trọn gói để mọi yêu cầu của khách hàng đều được đáp ứng tại NH và đảm bảo các dịch vụ tiện ích mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Để có thể cung cấp những dịch vụ trên, yêu cầu quan trọng nhất là phải có nền tảng công nghệ tốt. Nếu không, theo ông Văn sẽ khó có thể phân tích hành vi khách hàng, không biết họ đang cần gì, muốn gì… “Tuy thu được bạc cắc từ một khách hàng khi sử dụng dịch vụ trên, nhưng nếu có hàng vài chục nghìn người cũng giúp NH thu được bạc tỷ. Chỉ cần mỗi khách hàng sử dụng ba dịch vụ của NH trở lên là thành công rồi”, ông Văn chia sẻ thêm.
Theo kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại nước ngoài, TS. Hiếu nhận thấy, việc có một chương trình giáo dục tài chính một cách rộng rãi để cho người dân nắm được lợi ích hết sức cơ bản đối với sử dụng dịch vụ tài chính NH như sự cần thiết của việc mở tài khoản NH, hạn chế chi tiêu tiền mặt, nhận diện tiền giả, thật… Nhất là Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế phi tiền mặt thì vấn đề này vô cùng quan trọng.
Nhận biết được tầm quan trọng vấn đề này, hiện NHNN đang triển khai chương trình truyền hình thực tế Tiền khéo, tiền khôn; Những đứa trẻ thông thái... Theo nhận định của TS. Hiếu, đây là một cách tiếp cận tốt để thay đổi quan điểm, tư duy của người dân đối với dịch vụ NH và hình thức này cần phổ biến và triển khai đại trà.