Ngân hàng linh hoạt, người gửi tiền hưởng lợi
Đầu năm gửi tiền ở đâu | |
Đường cong lãi suất được vẽ lại | |
Gửi tiết kiệm vẫn chiếm ưu thế |
Theo thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống TCTD Việt Nam chính thức và cập nhật đến 31/12/2016 vừa được NHNN công bố, thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong toàn hệ thống ở mức 34,51%. Trong đó, nhóm NHTM Nhà nước là 37,32% và nhóm NHTMCP ở mức 39,93%. Chỉ tiêu này thỏa mãn quy định tại Thông tư 06/2016. Đây là thành quả của hàng loạt thông điệp cùng nhiều chỉ thị nghiêm khắc của Thống đốc NHNN quán triệt đến từng TCTD để xử lý yếu kém tồn đọng trong Ngành.
Và để có tiền cho vay, thời gian qua mỗi NH phải liên tục đa dạng các hình thức kêu gọi vốn. Hút tiền về sau Tết là cách vừa giúp các TCTD tăng thanh khoản, vừa giúp người dân có tiền tạm thời nhàn rỗi có thể gửi vào NH hưởng lãi.
Nhiều cách hút tiền tiết kiệm từ dân cư được tung ra như những lời chúc đầu xuân may mắn. Với mỗi khách hàng gửi tiết kiệm tại NHTMCP Quốc tế (VIB) thì chương trình “Mở sổ tiết kiệm, lì xì tiết kiệm” không chỉ để “mừng tuổi” đầu năm mới lấy hên, mà khách hàng còn được hưởng lãi suất lên đến 7%/năm với đa dạng các sản phẩm…
NH đa dạng hóa các sản phẩm huy động và cho vay để thu hút khách hàng |
Bên cạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm, VIB còn triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng bằng Việt Nam đồng cho khách hàng cá nhân và DN với số tiền không hạn chế. Huy động vốn bằng phát hành CCTG, VIB đang đánh đúng tâm lý của người gửi tiền nhỏ lẻ hay những khách hàng DN tạm thời có vốn nhàn rỗi. Bởi lẽ, với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, khi có nhu cầu vốn đột xuất, khách hàng có thể bán lại cho VIB sau 6 tháng kể từ ngày phát hành với giá bán bằng mệnh giá CCTG cộng lãi suất cam kết được tính đến ngày bán; hoặc làm tài sản cầm cố để vay vốn tại VIB.
Theo chuyên gia NH, về lý thuyết, người mua CCTG thường không thanh toán trước hạn do đã lên kế hoạch cho việc sử dụng vốn của mình vì thế, NH sẽ yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn này. Thực ra người ta vẫn còn nhiều kênh đầu tư khác cũng hấp dẫn không kém, trong đó có chứng khoán và BĐS, song đơn giản, an toàn nhất vẫn là gửi tiền vào NH hưởng lãi. Vay vốn qua phát hành CCTG là một cách tiết kiệm mới, không chỉ giúp các NH chủ động được nguồn vốn, mà còn giúp người gửi hưởng được nhiều lợi ích hơn.
Đơn cử, với CCTG mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, người gửi tiền nếu phải rút tiền của mình trước khi đáo hạn, thì số tiền phạt rút sớm (gồm không chỉ số tiền lãi có thể nhận được mà còn bị mất một phần tài sản gốc) sẽ linh hoạt hơn nhiều so với CCTG có mệnh giá tối thiểu lớn như 10 triệu đồng hay 50 triệu đồng… của một số NH khác.
Với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, CCTG thích hợp cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, có nguồn tài chính lớn, song lại tìm kiếm sự an toàn và linh hoạt trong sử dụng vốn, như vậy sẽ tốt hơn so với việc gửi ở tài khoản tiết kiệm hay tham gia thị trường tiền tệ. Nói như ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, lãi suất huy động CCTG chỉ là một trong các yếu tố tác động đến quyết định của nhà đầu tư.
Ở góc độ khác, không lựa chọn sản phẩm huy động làm chủ đạo, SHB chọn sản phẩm cho vay làm yếu tố chính để thu hút khách hàng. Đáng kể nhất là sự kiện ADB và SHB vừa ký kết Thỏa thuận tín dụng quay vòng (RCA).
Theo thông báo của SHB, thông qua Chương trình Tài trợ Thương mại (TFP), ADB sẽ cung cấp khoản vay trực tiếp trị giá 20 triệu USD cho SHB để tài trợ các giao dịch thương mại trước và sau khi giao hàng. Ngoài ra, ADB còn quyết định nâng tổng hạn mức NH phát hành (IBA) lên gấp đôi, đưa tổng hạn mức Hợp đồng IBA và RCA cho SHB lên tới 70 triệu USD.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên SHB hợp tác với các định chế tài chính lớn để có nguồn vốn dồi dào cung cấp cho người vay trong nước. Trước đó, tháng 3/2016, ADB đã khởi động “thử” Chương trình TFP với SHB (là NH phát hành - IBA) với hạn mức ban đầu là 25 triệu USD. SHB đã thực sự tối ưu hóa việc sử dụng hạn mức được cấp, bằng việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là trong hoạt động bảo lãnh và tài trợ xuất nhập khẩu, góp phần hỗ trợ tích cực cho các DN Việt Nam.
Việc ADB chấp nhận tăng một mức đáng kể tổng giá trị giao dịch mà SHB có thể sử dụng chỉ sau gần một năm hợp tác đã khẳng định vị thế và uy tín của SHB không chỉ với đối tác trong nước, mà còn với các định chế tài chính nước ngoài - điều mà trước đây, chỉ những NHTM Nhà nước mới có cơ hội tiếp cận tới… Thêm hỗ trợ cho thương mại đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, SHB đang tận dụng cơ hội để mở rộng tăng trưởng tín dụng.
Có thể nói, đối với thị trường tài chính trong nước, việc các NH tăng cường sự chủ động của tổ chức phát hành trong việc đưa ra phương án gọi vốn phù hợp với kế hoạch kinh doanh của TCTD không chỉ là mong muốn của người dân, mà cũng là điều nhà điều hành đang hướng tới. Bởi theo quy định tại Thông tư 06/2016 của NHNN, sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, NH nước ngoài thì từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các TCTD là 50%.
Nhằm thực hiện đúng lộ trình này, NH nào có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã chạm mốc 50% đều phải đẩy mạnh cơ cấu lại kỳ hạn huy động mới có cơ hội được tiếp tục tham gia cung ứng vốn trung và dài hạn trong năm 2017.
Và câu chuyện đa dạng hóa kênh huy động vốn đòi hỏi từng NHTM phải thiết kế ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ tốt các giới hạn an toàn theo quy định.