Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản kêu lợi nhuận giảm vì lãi suất âm
Thống đốc BOJ Kuroda: Không loại trừ các ý tưởng nới lỏng mới | |
Thống đốc BOJ Kuroda: Không loại trừ khả năng giảm tiếp lãi suất | |
BOJ: Chia rẽ về quan điểm nới lỏng tiền tệ |
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BOJ |
"Lợi nhuận đang bị ảnh hưởng mạnh do chính sách lãi suất âm và môi trường cạnh tranh", Takashi Oyamada - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ Ltd cho biết khi đề cập đến tỷ lệ lãi biên, một thước đo lợi nhuận cho vay của các ngân hàng. "Vì vậy về tổng thể, thu nhập lãi thuần là không tăng tương ứng - rất khó để nhìn thấy nó tăng".
Các ngân hàng Nhật Bản đã phải vật lộn để kiếm tiền từ hoạt động cho vay kể từ khi BOJ công bố kế hoạch bắt đầu thu phí trên một phần số tiền dự trữ của họ vào tháng Giêng, một chính sách đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ giám đốc điều hành các ngân hàng và các nhà lập pháp nhất là khi chính sách này không mấy phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
"Việc duy trì lãi suất âm trong một thời gian dài sẽ có một số tác dụng như dự định như tạo nhu cầu thực tế và tái cân bằng danh mục đầu tư. Nhưng nó cũng có tác dụng phụ. Vì vậy chúng tôi muốn BOJ xem xét chặt chẽ và tỉ mỉ những tác dụng phụ này và cách ứng phó”.
Hiện tăng trưởng tín dụng ở Nhật Bản vẫn được duy trì ổn định trong phạm vi 2% – 3% mặc dù nền kinh tế đang khó mở rộng. Tuy nhiên, thu nhập ròng của MUFG có trụ sở ở Tokyo - nhà cho vay lớn nhất của Nhật Bản - đã giảm 32% trong quý 2 so với một năm trước đó xuống còn 188,9 tỷ yên (1,8 tỷ USD) do lợi nhuận cho vay giảm.
Trước đó, mặc dù thừa nhận chính sách lãi suất âm đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các tổ chức tài chính, nhưng Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết, chính sách này không làm tổn thương hoạt động cho vay ngân hàng. Chủ tịch MUFG Nobuyuki Hirano cũng đã chỉ trích chính sách này trong một bài phát biểu vào tháng 4 rằng, nó khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp lo lắng và kéo dài nó có thể làm suy yếu lợi nhuận cho vay.
Oyamada cho biết, MUFG đã đối phó lại với chính sách lãi suất âm bằng cách tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng như quản lý tài sản và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài. Bởi sẽ là “khó khăn” để áp đặt lãi suất âm đối với tiền gửi của doanh nghiệp và cá nhân để đối phó với các chính sách của ngân hàng trung ương.
Theo đó, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã mở rộng hoạt động ở những nơi khác thuộc châu Á, nơi tăng trưởng nhanh hơn và lợi nhuận cho vay cao hơn. Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sẽ tiếp tục giữ Á như là một trụ cột của sự phát triển của nó ở nước ngoài, Oyamada cho biết thêm rằng một ưu tiên là khả năng mở rộng hoạt động ở Indonesia, bao gồm cả việc hiện diện trực tiếp cũng như thông qua việc mua lại.
Được biết BOJ sẽ công bố kết quả đánh giá toàn diện về các chính sách đang triển khai hiện nay trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 20-21/9.
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, hơn một nửa số nhà kinh tế được hỏi dự báo, BOJ sẽ mở rộng kích thích tiền tệ vào tuần tới, trong khi một số người khác cho rằng, điều đó sẽ xảy ra trong tháng 11 hoặc tháng 12, thậm chí là vào năm tới. Chỉ có một số ít chuyên gia nhận định sẽ không có sự thay đổi trong tương lai gần.
BOJ có thể sẽ cắt giảm lãi suất xuống -0,2% từ mức -0,15 hiện nay, hai nhà kinh tế Takeshi Yamaguchi và Robert Feldman của Morgan Stanley MUFG Securities Co cho biết.
Trong khi Bloomberg dẫn lời một nhân vật trong cuộc cho biết, những điểm nổi bật trong đánh giá toàn diện của BOJ bao gồm các lợi ích và chi phí của một đường cong lợi suất phẳng, đánh giá về những nỗ lực để thúc đẩy kỳ vọng lạm phát và thanh khoản rơi trên thị trường trái phiếu.