Ngân hàng tìm cách hút vốn dài hạn
CSTT thận trọng giúp lạm phát cơ bản giảm, hứa hẹn vĩ mô ổn định hơn | |
Thanh khoản hệ thống ngân hàng bắt đầu dồi dào trở lại |
Vì sao NH tăng lãi suất kỳ hạn dài
Gần 4 tháng đầu năm 2017, lãi suất huy động (LSHĐ) của các NH có nhiều thay đổi trong cơ cấu kỳ hạn. Thay vì tăng lãi suất kỳ hạn ngắn như mọi năm, các NH lại điều chỉnh tăng lãi suất đối với các kỳ hạn dài. Như tại HDBank, NH này đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,9%/năm lên mức 6,3%/năm…
Những động thái điều chỉnh LSHĐ, chủ yếu kỳ hạn dài, của một số NHTM đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý khách hàng. Người đi vay đồn đoán khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng. NHNN đã họp bàn với 21 NH quy mô lớn để có giải pháp trấn an tâm lý thị trường. Tại cuộc họp trên, các NHTM khẳng định, việc tăng lãi suất chủ yếu để các NHTM cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng các quy định của NHNN, một phần giữ chân người gửi tiền.
Các NH đang triển khai nhiều sản phẩm huy động tiết kiệm với nhiều ưu đãi để hút vốn trung, dài hạn |
Lãnh đạo một NH lý giải cho việc điều chỉnh lãi suất của NH này do chỉ số CPI tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó GDP tăng 5,1% tạo áp lực nhất định lên lãi suất. Nhưng việc tăng LSHĐ của NH này thực chất chỉ điều chỉnh chung so với mặt bằng lãi suất trên thị trường để bảo vệ thị phần của mình chứ không bị áp lực về thanh khoản.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, việc điều chỉnh trên là cần thiết khi yêu cầu tỷ lệ sử dụng vốn ngày càng khắt khe hơn. Động thái tăng LSHĐ kỳ hạn dài được TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định là không chỉ đúng chủ trương của NHNN mà đó cũng là đòi hỏi từ thị trường.
Theo quy định tại Thông tư 06, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được điều chỉnh còn 50% từ đầu năm 2017. Và sang năm 2018, tỷ lệ này sẽ rút xuống 40%. Trước áp lực trên, các NH nhất là với những NH đang ngấp nghé giới hạn 40 – 50% buộc phải chuẩn bị nguồn lực vốn trung dài hạn dồi dào hơn để cơ cấu nguồn vốn đáp ứng đúng quy định NHNN. Để huy động vốn dài hạn thời điểm này, theo TS. Hiếu, các NH không có cách nào khác buộc phải tăng LSHĐ.
Cũng e ngại lãi suất cho vay của các NH tăng trước áp lực LSHĐ, nhưng một chuyên gia khác vẫn đánh giá tích cực động thái trên của các NH. Lập luận của vị này là, sự phân hóa lãi suất rõ nét giữa các kỳ hạn ngắn và dài sẽ vẽ đường cong lãi suất ngày càng chuẩn hơn. Đương nhiên, kỳ hạn dài lãi suất càng phải cao. Điều này chúng ta cần nhìn từ hai phía đối với cả người đi vay và cho vay.
“Đây là cuộc chơi công bằng. Chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Khó có nền kinh tế hoàn hảo tới mức vốn trung, dài hạn vừa nhiều vừa rẻ” - vị chuyên gia trên bình luận và nhận xét thêm: đối với Việt Nam điều này lại càng khó xảy ra khi mà NH là kênh cấp vốn chủ lực cả ngắn hạn lẫn trung hạn cho nền kinh tế. Cung nhiều, cầu ít ắt giá phải cao.
Không nên kéo dài tình trạng “bóc ngắn cắn dài”
Một chuyên gia làm việc lâu năm ở nước ngoài nhận xét, tỷ lệ 50% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn mà NHNN đang quy định hiện nay cũng là sự “nhân nhượng” đối với thị trường. Các NH trên thế giới rất quan tâm đến chênh lệch kỳ hạn. Khi chênh lệch kỳ hạn nào lớn là các NH đó sẽ phải điều chỉnh ngay. Vì họ luôn cảnh giác với tình huống, tài sản Nợ chủ yếu ngắn hạn, mà tài sản Có đa phần là dài hạn. Nếu gặp biến cố, người gửi tiền đến rút tiền, NH sẽ phải “thanh lý” số tài sản có dài hạn trên để chi trả cho khách hàng.
Thực tế các NH thường gặp nhiều khó khăn khi thanh lý tài sản dài hạn. Do đặc thù tại Việt Nam, vốn phát triển nền kinh tế chủ yếu dựa vào NH nên phải chấp nhận với tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như vậy. Nhưng sớm muộn gì tỷ lệ này phải điều chỉnh giảm dần như quy định của NHNN. Vì trước những biến động trên thị trường tài chính ngày càng mạnh, cách sử dụng vốn “bóc ngắn cắn dài” sẽ rất rủi ro cho hệ thống NH nói riêng nền kinh tế nói chung.
Huy động được càng nhiều nguồn vốn trung, dài hạn sẽ vừa giúp cho các NH chủ động kinh doanh vừa cung cấp nguồn vốn dài hơi hơn cho nền nền kinh tế có nguồn vốn phát triển bền vững hơn. Đó là mong muốn của hầu hết các NH. Nhưng mong muốn này vẫn đang vấp phải nhiều trở ngại.
Một trong những khó khăn của các NHTM, theo chia sẻ của một CEO NH là mâu thuẫn trong cơ cấu tiền gửi. Tỷ lệ tiết kiệm của người Việt Nam cao bậc nhất thế giới nhưng tiền gửi trung, dài hạn lại rất thấp. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận “lỗi” một phần do các NH chưa có nhiều công cụ tài chính, đầu tư, nhưng lý do chính là bởi nền kinh tế vĩ mô chưa bền vững nên người dân vẫn chưa thực sự yên tâm gửi tiền VND dài hạn.
Vì vậy, để tăng được nguồn vốn trung, dài hạn, theo vị CEO trên đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố. Đối với NH, trước mắt, để thay đổi thói quen của người dân, các NH phải chấp nhận chi phí cao hơn qua việc trả lãi suất cao hơn đối với kỳ hạn trung, dài hạn. Ngoài ra, các NH đang tích cực triển khai các sản phẩm tiết kiệm để hút vốn. Đơn cử, VietBank đang triển khai sản phẩm tiết kiệm trung, dài hạn hưởng lãi suất thả nổi…
“Cách làm này chắc chắn tác động đến chi phí nhưng NH xác định bắt buộc phải làm để đảm bảo có nguồn vốn trung dài hạn đầu tư cho nền kinh tế phát triển bền vững. Chứ cứ tiếp tục chạy theo đi vay nước ngoài, lãi suất cao, chúng ta vừa lãng phí nguồn lực lớn trong dân, vừa chịu sự phụ thuộc vốn nước ngoài”, vị CEO NH trên tính toán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố then chốt giúp cho các NH huy động được nguồn vốn trung, dài hạn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề nghị phải có quy định yêu cầu các NH lên sàn để người dân, NĐT có được thông tin chính xác về sức khỏe tài chính NH nào khỏe, NH nào yếu để chọn mặt gửi tiền. Kỳ hạn gửi tiền ngắn hay dài cũng phụ thuộc nhiều vào uy tín của chính NH đó.