Ngân hàng TMCP Quân đội: Bứt phá từ nội lực và nền tảng vững vàng
Ngân hàng Quân Đội triển khai dịch vụ mới | |
MB: Vốn chủ sở hữu tăng 14,69%, đạt 26.588 tỷ đồng |
Tăng trưởng ấn tượng
Theo công bố báo cáo tài chính kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2017, tính đến 30/6/2017, MB đạt lũy kế từ đầu năm đến cuối quý hơn 2.524 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh khác của MB đều tăng trưởng tốt so với quý I/2017 và so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, tính đến 30/6/2017, tổng tài sản của MB đạt 276.245 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Dư nợ tăng trưởng 15% so với năm 2016, huy động tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
MB luôn là ngân hàng phát triển bền vững |
Đáng chú ý, thu nhập từ lãi thuần của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong quý II, chỉ tiêu này đạt 2.732 tỷ đồng, tăng 857 tỷ đồng, tương ứng 47% so với cùng kỳ năm 2016, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 5.139 tỷ đồng, tăng mạnh so với 3.625 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, có sự đột phá ở mức 661 tỷ đồng so với 279 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán cũng cải thiện mạnh so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả này, cùng với nền tảng và nội lực vững vàng, MB đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2017 – 2021, đặt mục tiêu là ngân hàng trong Top 5 về hiệu quả kinh doanh và an toàn. Theo đó, ngân hàng đã triển khai 4 chuyển dịch then chốt: Ngân hàng số; Nâng cao quan hệ khách hàng; Quản trị rủi ro vượt trội; Nâng cao hiệu quả hoạt động công ty thành viên. Đồng thời với đó là 4 nhóm giải pháp: quản trị điều hành, kinh doanh, công nghệ và nhân sự.
Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng
Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng ở các chỉ tiêu về tài sản, huy động vốn và tín dụng, MB đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Tính đến hết 30/6/2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 và mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong kế hoạch đầu năm. Số dư trích lập lập dự phòng rủi ro tín dụng đến ngày 30/6/2017 của MB là 2.281 tỷ đồng, trong khi tổng nợ từ nhóm ba đến nhóm năm của ngân hàng là 2.216 tỷ đồng. Điều này cho thấy MB đã tuân thủ chặt chẽ về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định.
Điểm sáng đặc biệt của MB giúp ngân hàng đạt được sự “phát triển bền vững” phải kể đến là công tác quản trị rủi ro. Quản trị rủi ro của MB được nhận thức và thực thi đầy đủ trong toàn ngân hàng từ mô hình tổ chức – quy trình đến nguồn lực. Thông qua đó, MB có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh, kiểm soát rủi ro phù hợp với chính sách và khẩu vị rủi ro của ngân hàng, cân bằng giữa rủi ro và thu nhập đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng định hướng đề ra.
Trong thời gian tới, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi nhiều thách thức để đảm bảo quản trị hiệu quả những rủi ro phát sinh từ mô hình kinh doanh mới. Trước những thách thức này, MB đã xác định rõ chiến lược Quản trị rủi ro giai đoạn 2017- 2021. Theo đó MB không chỉ hướng tới tuân thủ Basel II theo yêu cầu của NHNN, mà còn đảm bảo củng cố và nâng cao năng lực quản trị rủi ro của MB, đảm bảo vị thế vượt trội trên thị trường.
Bên cạnh việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2017, MB cũng ghi dấu ấn của mình trên thị trường tài chính với 42 danh hiệu, giải thưởng và chứng nhận do các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế trao tặng như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dành cho 4 tập thể và 5 cá nhân xuất sắc giai đoạn 2015-2016; Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” dành cho Tổng giám đốc Lưu Trung Thái và các giải thưởng thể hiện vị thế ngân hàng, hiệu quả kinh doanh tốt như: Top 5 ngân hàng có môi trường tốt nhất Việt Nam; Top 50 Công ty hiệu quả nhất Việt Nam năm 2016; Top 10 NHTM Việt Nam uy tín 2017; Bảng xếp hạng “500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” đồng thời thuộc top “500 doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam năm 2017”. |