Ngành gỗ xuất khẩu: Doanh nghiệp nội vẫn chịu lép vế
Tiềm năng lớn
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ năm 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019” vừa được công bố cho thấy, năm 2018, ngành gỗ Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc khi cán mốc 9,4 tỷ USD, xuất siêu 7,1 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt giá trị xuất khẩu 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.
Trong các nhóm mặt hàng, 3 nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu mạnh nhất gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán (gỗ ghép). Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 tăng 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% trong con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018.
Ảnh minh họa |
Trong các thị trường xuất khẩu, 5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ năm 2018 đem về 3,5 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản đem lại 1,1 tỷ USD (tăng 13%), tại châu Âu đạt 785 triệu USD, Hàn Quốc gần 938,7 triệu USD; Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ vào các thị trường chủ lực được dự báo tiếp tục giữ phong độ tăng trưởng trong năm 2019, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sớm có hiệu lực.
Thị phần vẫn nghiêng về FDI
Nhìn lại hơn 3 thập kỷ qua, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên đầu tư vào ngành gỗ bắt đầu từ năm 1988, ngay sau khi Luật Đầu tư Nước ngoài lần đầu tiên (1987) có hiệu lực. Đến nay, ngành gỗ đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp FDI, với các lĩnh vực hoạt động đa dạng.
Theo Báo cáo “Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực gỗ xuất khẩu Việt Nam”, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số lượng các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia này theo con số đăng kí lần lượt chiếm 25%, 18%, 12% và 8% trong tổng số các doanh nghiệp FDI đăng kí. Số doanh nghiệp FDI của 4 quốc gia này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành gỗ. Về tỉ trọng vốn đầu tư đăng kí, các doanh nghiệp FDI từ 4 quốc gia này có tỉ trọng vốn đăng kí lần lượt là 19%, 8%, 7% và 11%.
Phát biểu tại Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Tô Xuân Phúc - đại diện Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện nay ngành gỗ có khoảng 867 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc nhận định, hiện đang có sự mất cân đối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong ngành gỗ khi thị phần vẫn đang nghiêng về phía doanh nghiệp FDI. Cụ thể năm 2018, số doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ tuy chỉ chiếm tỷ lệ gần 20% nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, bằng khoảng 47% tổng kim ngạch chung. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam còn lại, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, điều này minh chứng cho sự chênh lệch lớn giữa quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Một trong những thách thức lớn nhất, khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chưa theo kịp được các doanh nghiệp FDI là số lượng còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhu cầu nhân lực cho ngành này liên tục tăng hàng năm và luôn trong tình trạng “khát” nhân lực.
“Có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%, còn lại là lao động phổ thông. Đây là hạn chế không nhỏ, trong quá trình cạnh tranh của ngành gỗ, khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay”, ông Dũng chỉ rõ. Kỹ sư Trần Huy Dũng – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, dân số ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% là nguồn lao động dồi dào cho tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành gỗ có liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 507 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thu hút khoảng 110.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ngành gỗ ở Bình Dương hàng năm tăng 11.000 - 15.000 người.
Kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, vì lao động phổ thông nhiều nên năng suất ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU). Cả nước có 5 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.
GS.Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Việt Nam khuyến nghị, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành gỗ cần có 3 giải pháp cơ bản: Tập trung xây dựng các trường Đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao; nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.