Ngành Ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh: Ổn định và tăng trưởng
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp | |
Nỗ lực đưa đồng vốn đi vào cuộc sống |
Thông tin trên được các lãnh đạo NHTM ở TP.HCM đưa ra tại cuộc họp quyết toán cuối năm (ngày 30/12/2017) giữa Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú với lãnh đạo các TCTD trên địa bàn. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB phát biểu: kinh doanh của ngân hàng trong năm qua đạt hiệu quả tốt, nên hầu hết những rủi ro từ sự kiện (Bầu Kiên) năm 2012 đã được giải quyết xong trong năm 2017 và sang năm 2018 ACB sẽ trở lại “quỹ đạo” hoạt động bình thường.
Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng đã đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách trên địa bàn TP. HCM |
Trong khi đó các chi nhánh của NHTM có vốn Nhà nước trên địa bàn cũng đóng góp rất lớn trong việc cung ứng vốn tín dụng cho TP.HCM.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng xác định TP.HCM là một thị trường lớn nên đã dành một nguồn lực lớn cho địa phương, năm 2017 tổng nguồn vốn huy động của các chi nhánh VietinBank ở TP.HCM khoảng 200.000 tỷ đồng chiếm khoảng 10% tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn. Dư nợ cũng khoảng 200.000 tỷ đồng chiếm gần 9% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ở TP.HCM. Các chi nhánh của VietinBank trên địa bàn TP. HCM cũng đóng góp khoảng 30% lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng này, đặc biệt VietinBank chi nhánh TP.HCM có dư nợ cho vay 43.000 tỷ đồng, vốn huy động 40.000 tỷ đồng tương đương với một NHTM trung bình.
Đồng quan điểm, ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, trong năm 2017, dư nợ cho vay của các chi nhánh BIDV trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 162.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng chương trình chống ngập ngân hàng đã giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng, hơn 100.000 tỷ đồng cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh. Các NHTM Nhà nước như VietinBank, Vietcombank… cũng đóng góp quan trọng cho công tác từ thiện được lãnh đạo TP.HCM ghi nhận đã góp phần cùng với chính quyền địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Đánh giá cao những kết quả kinh doanh của các TCTD trên địa bàn trong năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, ngoài việc góp phần vào con số tăng trưởng kinh tế TP.HCM đạt 8,4% trong năm qua có nhiều TCTD đã đóng góp quan trọng cho ngân sách TP.HCM. Chẳng hạn, năm 2017, Công ty tài chính FE Credit thuộc VPBank đã đóng ngân sách 1.000 tỷ đồng, ACB đóng góp 703 tỷ đồng, HSBC 659 tỷ đồng… Từ đó góp phần thu ngân sách năm 2017 đạt hơn 347.880 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch của thành phố và vượt mức dự toán Trung ương giao cho TP.HCM.
Năm 2018, TP.HCM sẽ bắt đầu thí điểm áp dụng cơ chế chính sách tài chính đặc thù. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ trực tiếp điều hành hoạt động cấp phép đầu tư những dự án lớn, thẩm định giá ở nhiều lĩnh vực, dự án phát triển hạ tầng, kinh tế trọng điểm để tránh các trường hợp thủ tục hành chính đi lòng vòng qua các sở ban ngành gây chậm tiến độ các dự án.
Song song đó, UBND thành phố cũng sẽ sắp xếp lại hệ thống nhân sự, phân cấp, giao quyền tự quyết cho chính quyền ở các quận huyện và sở ngành để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, phát triển nền kinh tế chung của thành phố.
“Khi UBND TP.HCM thực hiện thẩm định giá sẽ rất thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, vì trong quá trình cho vay cấp tín dụng các TCTD rất cần những thông tin tốt này để có cơ sở đối với tài sản đảm bảo để cấp tín dụng”, ông Tuyến thông tin.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, hiệu quả kinh doanh của các TCTD trên địa bàn trong năm 2017 đạt 115% so với năm 2016. Kết quả hoạt động của các TCTD ở TP.HCM trong năm 2017 có thể đúc kết bằng các từ “ổn định và tăng trưởng”.
Các TCTD phải cơ cấu lại tín dụng Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, đến hết năm 2017 tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao hoạt động của hệ thống ngân hàng TP.HCM, huy động vốn và dư nợ cho vay của các TCTD ở TP.HCM hiện nay chiếm đến 30% toàn hệ thống. Những kết quả về huy động vốn, cho vay, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc tại các TCTD trên địa bàn TP.HCM là minh chứng rất rõ cho một năm rất thành công của ngành Ngân hàng trên địa bàn nói riêng và toàn Ngành nói chung. Mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2018 có thể sẽ quanh mức 17%. “Điều này đòi hỏi các TCTD cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng. Về dài hạn các TCTD phải tính đến cơ cấu các khoản tín dụng theo hướng “bớt trọng cung” như những năm qua” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo. |