Nhà băng chạy nước rút cuối năm
Tăng vốn từ phát hành trái phiếu: Giải pháp chỉ mang tính thời điểm | |
Nhiều ngân hàng cởi bỏ được nút thắt tăng vốn |
Tiệm cận mục tiêu
Đến thời điểm này, qua báo cáo tài chính đã công bố của nhiều ngân hàng, có thể thấy phần lớn các nhà băng sẽ đủ khả năng hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch kinh doanh khi đến cuối quý III/2018, không ít ngân hàng đã hoàn thành hơn 70%, thậm chí hơn 80% kế hoạch năm.
Ảnh minh họa |
Mới đây, VietinBank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2018, trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được điều chỉnh từ 10.800 tỷ đồng xuống 6.700 tỷ đồng.
Theo ông lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank hiện ngân hàng này đang thực hiện phương án cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh theo hướng áp dụng chuẩn mực quốc tế, đặc biệt sẽ áp dụng Basel 2 từ đầu năm 2019, sẽ làm cho hoạt động điều hành, quản trị của ngân hàng sẽ được nâng lên. Thế nhưng điều đó cũng dẫn đến việc phải phân loại nợ theo chuẩn mới, làm tỷ lệ và cơ cấu nợ xấu thay đổi, dẫn đến chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng lên.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch là điều bình thường trong hoạt động của các nhà băng, nương theo điều kiện kinh doanh trong năm để thực hiện kế hoạch của họ, bởi có những tác động từ tình hình thực tế khó dự đoán từ đầu năm. Chẳng hạn như về lãi suất, ngay đầu năm hệ thống kỳ vọng lãi suất có thể giảm theo chủ trương của Chính phủ, mong muốn của NHNN. Song đi vào trong năm mới thấy vấn đề giảm lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất huy động là hết sức khó khăn do nhiều yếu tố khách quan. Trong năm, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã có những tác động tới nền kinh tế Việt Nam, qua đó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng.
Trao đổi với một số chuyên gia, phần lớn nhận định, triển vọng kinh doanh của hệ thống ngân hàng năm nay có thể vẫn khả quan. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi động thái kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng của NHNN, đặc biệt là tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro thường có biên lợi nhuận cao hơn. Song, một chuyên gia cho rằng, “việc NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng có lý do: để cho các ngân hàng quản lý tín dụng một cách chặt chẽ hơn, còn nếu bung ra thì dễ vấp phải nguy cơ rủi ro nợ xấu, rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng”.
Một vấn đề cũng được các nhà băng gấp rút triển khai trong thời điểm này là tăng vốn, một mặt để gia tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh; mặt khác cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn về vốn khi mà chỉ còn hơn 1 năm nữa, Thông tư 41/2016/NHNN sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, NHNN vừa qua đã chấp thuận chủ trương cho NCB được tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 5.004 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên NCB và cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua tại Nghị quyết số 25 ngày 26/4/2018 và được Hội đồng quản trị NCB thông qua tại Nghị quyết số 60 ngày 8/10/2018. Trước đó, vào đầu tháng 11/2018, VIB cũng đã được cơ quan quản lý chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ mức 5.644 tỷ đồng lên 7.834 tỷ đồng, phương án tăng vốn thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 41,13%.
Nước rút để tăng vốn và niêm yết
Cần nhìn nhận rằng, việc tăng vốn đối với các NHTM cũng không hề dễ dàng trong thời điểm hiện tại khi mà thị trường chứng khoán vẫn liên tục trồi – sụt theo diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn – một trong những đối tượng mà các nhà băng hướng tới mỗi khi tăng vốn những năm trước đây – nay đang phải quyết liệt thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ. Một nguồn vốn quan trọng khác mà các ngân hàng nhắm tới là vốn ngoại cũng đang trong tình trạng “thủ thế” khi các nhà đầu tư cẩn thận hơn khi đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Nhiều ngân hàng Việt đã rất nỗ lực nhưng phần nhiều cũng đang trong quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng và phù hợp.
Tăng vốn đã khó, song việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm này làm sao cho hiệu quả để đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông lại càng khó khăn hơn. Trong khi việc tăng được vốn được dự báo sẽ ngày càng áp lực hơn khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một chuyên gia cho rằng sự phân hoá trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn tới giữa các ngân hàng đạt được yêu cầu với những ngân hàng chưa đủ điều kiện của Thông tư 41. Mới đây, VIB và Vietcombank là hai ngân hàng được Thống đốc NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2019.
Không chỉ khó khăn trong tăng vốn, với những ngân hàng quy mô nhỏ, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng là vấn đề nan giải. Ngân hàng luôn mong muốn trong thời điểm niêm yết, điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh của nhà băng phải khả quan để giá trị cổ phiếu hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Bởi thế, với các ngân hàng quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh, thanh khoản còn nhiều khó khăn thường sẽ ngần ngại khi lên sàn. Khi lên sàn, giá cổ phiếu sẽ do thị trường ấn định, nên với những nhà băng trước giờ có cổ phiếu dưới mệnh giá, có thể thời điểm niêm yết sẽ khả quan, nhưng sau đó khi thị trường điều chỉnh thì khả năng tụt giá là rất cao. “Ngân hàng cẩn trọng trong việc niêm yết, hoặc chần chừ cũng phần nhiều vì nguyên do đó”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.
Song việc ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn là vô cùng quan trọng để minh bạch hoá, giá thị trường là giá phản ánh sự nhìn nhận của thị trường đối với từng ngân hàng. Lúc này, cổ phiếu ngân hàng có thể khó khăn nhưng sang năm khi tình hình tài chính thế giới và trong nước có những diễn biến tích cực, thị trường chứng khoán sẽ có sự khởi sắc. “Nói như vậy, để thấy là với các ngân hàng nhỏ, tình hình tài chính chưa thật sự khả quan nhưng việc ngân hàng lên sàn là chuyện tất yếu phải làm”, vị chuyên gia trên nêu quan điểm.