Tăng vốn từ phát hành trái phiếu: Giải pháp chỉ mang tính thời điểm
Nhiều ngân hàng cởi bỏ được nút thắt tăng vốn | |
Nỗi lo tăng vốn của các “ông lớn” |
Cấp tập phát hành trái phiếu
Thị trường gần đây chứng kiến hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu của các ngân hàng. Đơn cử như BIDV mới đây công bố phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu gồm 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với mục đích tăng vốn hoạt động. Hay như Vietcombank hoàn tất phát hành trái phiếu kỳ hạn 6 năm với tổng khối lượng khoảng 550 tỷ đồng; VIB qua phát hành trái phiếu huy động được 2.800 tỷ đồng; MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng; HDBank tiếp tục huy động thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm sau đợt phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trước đó...
Áp lực đảm bảo an toàn vốn khiến ngân hàng phải ráo riết tìm giải pháp tăng vốn |
Theo lý giải của giới chuyên môn, việc phát hành trái phiếu cùng lúc mang lại hai lợi ích cho các nhà băng. Trước mắt, nguồn vốn trái phiếu sẽ là một bổ sung quan trọng vào nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng để đáp ứng quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giảm về còn 40% kể từ đầu năm 2019. Về lâu dài, quan trọng hơn là nguồn vốn trái phiếu sẽ giúp tăng nguồn vốn cấp 2, từ đó tăng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Quả vậy, hiện các ngân hàng đang bước vào giai đoạn nước rút để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) - với kim chỉ nam là các quy định về an toàn vốn của Ủy ban Basel (Basel II). Hiện hệ số CAR của khối NHTM quốc doanh chỉ vào khoảng 9,39%, còn của khối NHTMCP là khoảng 11,34%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu tính theo chuẩn của Basel II thì chắc chắn tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống nữa. Bởi thế, áp lực tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II khi thời hạn áp dụng đặt ra tại Thông tư 41 vào đầu năm 2020 đang cận kề.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 đối với nhà băng ở thời điểm này khả thi hơn thay vì bán cổ phiếu. “Thẳng thắn mà nói, cổ phiếu ngân hàng thời gian qua cũng theo nhịp của thị trường, lên xuống khá thất thường, giao dịch kém phần sôi động trong những phiên gần đây. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (từ 12 - 16/11), VN-Index giảm 16,1 điểm xuống 898,19 điểm; HNX-Index giảm 0,002 điểm xuống 103,01 điểm”, vị này cho hay.
Thêm nữa, các nhà đầu tư cũng mặn mà với trái phiếu hơn bởi đó không được xét là loại đầu tư vĩnh viễn, mà một thời điểm nhất định họ sẽ nhận lại được tiền gốc của mình, với lãi suất cố định. Còn với cổ phiếu, cổ tức sẽ lên xuống tuỳ thuộc vào lợi nhuận của nhà băng. Các ngân hàng cũng hiểu được điều này nên đang tận dụng để nhằm tăng vốn cấp 2, đảm bảo hệ số CAR theo Thông tư 41.
Cân nhắc thận trọng
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính thời điểm. Vì nếu lạm dụng phát hành trái phiếu sẽ tạo ra rủi ro cho ngân hàng trong tương lai, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2. “Vì vậy, việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn chỉ giải quyết tình thế, không phải là giải pháp lâu dài được”, chuyên gia này khẳng định.
Có ý kiến cho rằng việc phát hành trái phiếu không quá ảnh hưởng tới lãi suất. Nhưng theo ông Hiếu, chắc chắn sẽ có áp lực lên mặt bằng lãi suất, dù chỉ là nhất thời, còn có thể trong tương lai, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có những thay đổi thì lúc đó mặt bằng lãi suất sẽ chịu ảnh hưởng bởi các tác nhân khác. “Nếu tăng lãi suất trung và dài hạn thì nhiều người sẽ đem tiền từ vốn huy động ngắn hạn đổ vào trung - dài hạn để hưởng lãi suất cao, lâu dài sẽ dẫn tới hụt hơi ở kỳ hạn ngắn. Kéo theo việc các ngân hàng lại phải đẩy lãi suất của kỳ hạn ngắn lên để duy trì vốn huy động ngắn hạn. Như vậy, việc tăng lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu nhằm huy động vốn trung - dài hạn sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất ở tất cả kỳ hạn”, vị chuyên gia này nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia tài chính khác cũng khẳng định, giải pháp tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu để đáp ứng quy định Thông tư 41 không phải là giải pháp lâu dài. Muốn cải thiện tỷ lệ an toàn vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, ngân hàng buộc phải tăng vốn cấp 1. Vị này cho rằng, “để hài hoà, các ngân hàng có thể tính toán sử dụng trái phiếu để nâng vốn tạm thời, nhưng về lâu dài bắt buộc phải tập trung vào việc tăng vốn cấp 1. Đó mới là vốn bền vững”.
Thông tư 41 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020, trừ trường hợp các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại thông tư này gửi văn bản đăng ký áp dụng sớm hơn với NHNN.
Chuyên gia tư vấn của Oliver Wyman nhấn mạnh, Basel II không phải là hoạt động mang tính tuân thủ mà các ngân hàng luôn phải cải thiện thường xuyên để vốn của mình luôn được đảm bảo. “Ngân hàng cũng cần đặc biệt quan tâm tới việc liên kết vốn với rủi ro, đặt ra các mục tiêu vốn nội bộ, trong đó có tính đến môi trường bên ngoài. Đồng thời chạy stress test có năng lực dự báo tốt, tích hợp các mục tiêu về vốn an toàn vào kế hoạch rủi ro và kế hoạch kinh doanh”, vị này cho biết.