Nhẹ gánh với lỗ do biến động tỷ giá
Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Để cán đích thành công | |
Chưa có nhiều yếu tố rủi ro gây áp lực lên tỷ giá |
Báo cáo tài chính quý II/2016 của Petrolimex cho thấy, mặc dù trong nửa đầu năm vừa qua, chi phí lãi vay của tập đoàn này có tăng lên nhưng khoản lỗ chênh lệch do tỷ giá đã giảm khá mạnh.
Cụ thể, trong 6 tháng Petrolimex chỉ phải bỏ ra 69 tỷ đồng để bù lỗ chênh lệch tỷ giá, thay vì phải bỏ tới 509 tỷ đồng như kết quả của cùng kỳ năm 2015. Với khoản chi phí 440 tỷ đồng tiết giảm được từ việc bù lỗ tỷ giá khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 của Petrolimex tăng mạnh 48,4% so với cùng kỳ, đạt mức trên 2.800 tỷ đồng.
Tương tự, theo báo cáo của CTCP Sợi Thế Kỷ, trong 6 tháng đầu năm, việc tỷ giá VND/USD duy trì ở mức ổn định đã khiến cho chi phí tài chính của DN này giảm 56,9% so với cùng kỳ. Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá được loại bỏ, khiến DN tiết giảm được trên 11,2 tỷ đồng, từ đó đưa lợi nhuận (sau thuế) của DN về mức gần 32 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Các trường hợp nêu trên chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho thực tế “nhẹ gánh” với các khoản lỗ do tỷ giá mà cộng đồng DN đã được hưởng từ đầu năm đến nay nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN. Bởi theo những thống kê của CTCP Chứng khoán Sài Gòn, đến thời điểm giữa tháng 8/2016, trong số 686 DN công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã có 618 DN báo lãi do tiết giảm mạnh chi phí tài chính (bao gồm lãi vay và lỗ do tỷ giá).
Quan sát thực tế cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, giá USD mặc dù diễn biến tăng giảm trái chiều nhưng tỷ giá VND/USD đã giảm khoảng 1,07% chứ không “tăng mạnh” như một số dự báo vào đầu năm 2016.
Ở đây có thể nhìn thấy sự tính toán trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN là chọn giải pháp ổn định. Việc mua vào mạnh mẽ USD của NHNN trong các tháng giữa năm đáng ra đã khiến cho tỷ giá VND/USD giảm sâu hơn mức 1,07% nhưng nhờ cơ chế tỷ giá trung tâm, các biến động đã được “giảm chấn”.
NHNN thay vì đưa ra một biên độ hay một tỷ lệ mục tiêu nhất định cho biến động tỷ giá, đã chọn giải pháp tạo ra sự thông suốt cho cung - cầu, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường.
Việc này không những khiến cho tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm mạnh mà còn có tác dụng kiềm chế lạm phát. Bởi một khi tỷ giá VND/USD được giữ ở mức giảm nhẹ, giá nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm theo. Điều này khiến cho chi phí đẩy (chi phí phát sinh từ việc nhập nguyên liệu, thuê nhà xưởng, vận chuyển, phân phối…) của doanh nghiệp được kéo xuống. Từ đó, động lực tạo ra lạm phát bị hạn chế.
Ở góc độ thị trường, khi tỷ giá được giữ ổn định ở mức giảm 1,07% như hiện nay (và dự báo sẽ giảm đến khoảng 3% vào cuối năm 2016 - theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank) thì việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cũng sẽ có cơ hội hiện thực hóa. Bởi hiện nay mức lãi suất cho vay trung bình của các NHTM hầu hết đã được kéo về 7-8% (ngắn hạn) và 9-10% (trung, dài hạn).
Hiện, NHNN đang kỳ vọng giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong năm nay. Chính vì thế những diễn biến giảm tích cực của tỷ giá, cùng với sự hỗ trợ của nguồn FDI và nguồn ngoại tệ dồi dào nhờ xuất siêu, sẽ là điểm tựa để kỳ vọng rằng từ nay đến cuối năm nỗi lo tăng chi phí lãi vay và thua lỗ do biến động tỷ giá sẽ không còn là áp lực đối với cộng đồng DN.