NHTMCP Công thương Việt Nam: Cơ hội bứt phá từ chiến lược trung hạn
VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ lên 49.209 tỷ đồng trong năm 2016 | |
VietinBank: Hành trình vươn tới thương hiệu bán lẻ số 1 |
Những thông tin về Báo cáo đánh giá của Ban điều hành NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Đại hội đồng cổ đông 2016 cho biết, năm 2015 đánh dấu một năm thành công của VietinBank với những thành tích xuất sắc về tăng trưởng quy mô cũng như hiệu quả hoạt động.
Không chỉ thực hiện tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững và liên tục ngay từ những tháng đầu năm, VietinBank cũng tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, tham gia tích cực cùng với NHNN tái cơ cấu các TCTD.
Nhiều định hướng và giải pháp quan trọng đã được Ban lãnh đạo VietinBank xây dựng và triển khai từ năm 2015. Có thể kể đến Chiến lược kinh doanh trung hạn 2015-2017 với tầm nhìn “Trở thành ngân hàng hiện đại, đa năng, có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á”, VietinBank đặt ra mục tiêu chung “Duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục, trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất, hiệu quả hoạt động hàng đầu ngành Ngân hàng Việt Nam vào năm 2017”. Đồng thời VietinBank cũng đã triển khai thành công Đề án Tái cơ cấu VietinBank theo phê duyệt của NHNN.
Năm khởi đầu của chiến lược kinh doanh trung hạn, đã ghi nhận những thành công tích cực của VietinBank về tăng trưởng quy mô cũng như hiệu quả hoạt động. Theo đó, quy mô tổng tài sản đến 31/12/2015 đạt 779 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2014; dư nợ tín dụng tăng 24,7% so với năm 2014; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế được giữ ở mức thấp 0,73%, thấp nhất trong toàn hệ thống.
VietinBank tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những ngân hàng tạo lập thị trường, động thái giao dịch của VietinBank là chỉ dẫn hành động cho các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng.
Các công ty con và chi nhánh nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 363 tỷ đồng, tăng mạnh 37% so với năm 2014.
Những thành tích này đã đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2015 đạt 7.345 tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch ĐHĐCĐ với các chỉ số ROA và ROE đạt tương ứng là 1% và 10,3%, đạt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.
Những lợi thế của VietinBank mới đây cũng đã được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDVS) chỉ ra với việc VietinBank dẫn đầu các ngân hàng niêm yết về quy mô vốn điều lệ, đạt hơn 37,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2015, đứng thứ 2 về quy mô tổng tài sản, sau BIDV.
Lợi thế mạng lưới hoạt động rộng, chỉ đứng sau Agribank và BIDV là cơ sở để VietinBank đẩy mạnh tăng trưởng quy mô và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thu phí dịch vụ năm 2015 của VietinBank tăng trưởng 25%, nâng tỷ trọng của thu phí dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động lên mức 12%, cải thiện so với mức 10% của năm 2014.
Dịch vụ thanh toán được phát triển mạnh mẽ, là nền tảng trong chiến lược kinh doanh mới, VietinBank tiếp tục duy trì vị thế dẫn dầu thị trường với các sản phẩm dịch vụ thẻ ATM và POS. Cùng với đó là vị trí hàng đầu trong dịch vụ kiều hối, vị trí thứ 2 về kinh doanh ngoại tệ… “Đây là nguồn thu nhập ổn định và ít chịu rủi ro của ngân hàng”, báo cáo của BIDVS đánh giá.
“Thành công đó là nền tảng, động lực để VietinBank hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ trong năm 2016, phấn đấu trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực vào năm 2017”, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng tin tưởng.
Những điểm tựa cho mục tiêu trở thành ngân hàng hiện đại, đa năng, có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á trong trung hạn thêm vững chắc với kế hoạch kinh doanh năm 2016. Đó là việc sáp nhập PG Bank sẽ đưa vốn chủ sở hữu của VietinBank đạt 64.455 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 49.209 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn Basel II.
Mục tiêu tăng trưởng quy mô tỷ lệ thuận với chất lượng được đưa ra tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, nguồn vốn huy động dự kiến 14%, dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 18%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng tăng 8%.
Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết thêm để có thể tiếp tục vai trò ngân hàng trụ cột thời gian qua, VietinBank đã hoàn thiện lại chiến lược phát triển trung hạn và tầm nhìn dài hạn trong đó đánh giá đầy đủ tiềm năng của các ngành nghề, vùng miền cũng như những lợi thế của VietinBank để có một chiến lược thị trường tốt nhất.
Bên cạnh đó là việc chuyển đổi lợi thế kinh doanh của VietinBank. Cùng với mảng hoạt động thế mạnh như cho vay DN lớn, VietinBank mở rộng thị phần cho vay DNNVV, FDI, bán lẻ tạo cơ cấu bền vững đồng thời phát triển mạnh dịch vụ, ngân hàng thanh toán cho DN và người dân.
Việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank dự kiến kết thúc trước khi triển khai core vào tháng 9/2016 sẽ gia tăng lợi thế cho VietinBank trong việc triển khai bán lẻ, “VietinBank đã có kế hoạch triển khai mô hình bán lẻ ngay khi PG Bank sáp nhập xong, càng triển khai sớm bao nhiêu, càng phát huy hiệu quả sớm bấy nhiêu”, ông Thắng cho biết.
Tờ trình ĐHĐCĐ liên quan đến việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank cho biết, theo thỏa thuận hợp đồng sáp nhập, hai ngân hàng này không được chia cổ tức trước khi sáp nhập (trừ trường hợp chia cổ tức trước khi sáp nhập theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chính sách của Nhà nước). Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ thêm năm 2015 VietinBank không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. |