Những trái ngọt sau 5 năm tái cơ cấu
Tái cơ cấu ngân hàng: Cần dòng tiền mới | |
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Trái ngọt từ tái cơ cấu |
Thành quả sau 5 năm
200 đại biểu đại diện cấp cao ngành Ngân hàng từ các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, và nhiều khu vực khác về Đại hội đồng và Hội nghị lần thứ 33 của ABA (Hiệp hội Các ngân hàng châu Á) đã có cảm nhận tốt về kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.
Gần đây nhất, ông Maurice Obstfeld, chuyên gia Kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá cao những chuyển biến tích cực của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong việc điều hành chính sách tiền tệ - tỷ giá và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Đầu tiên, giải pháp cơ cấu lại các TCTD đã được triển khai căn bản, giúp giảm bớt số lượng các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Một thành công đáng ghi nhận là việc NHNN đã kiểm soát được khả năng chi trả của các ngân hàng này, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và an toàn hoạt động của cả hệ thống.
Quá trình này cũng đồng thời góp phần hình thành một số NHTM có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Sự kiện VietinBank và Vietcombank được xếp vào danh sách 500 ngân hàng hàng đầu thế giới chính là minh chứng cho sự phát triển lớn mạnh của các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Kế đến, giải pháp cơ cấu lại tài chính, bao gồm xử lý nợ xấu và tăng quy mô vốn tự có của TCTD cũng đã được triển khai thực hiện. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ hơn theo mục tiêu định hướng trong phạm vi 3% cho các TCTD.
NHNN đã chủ động ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN, cũng như chấm dứt việc áp dụng Quyết định 780/QĐ-NHNN nhằm hạn chế phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng về việc phân loại nợ với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Quy mô và vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã gia tăng trong các năm qua.
Ngoài ra, nhóm giải pháp cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị cũng đã góp phần nâng cao năng lực xây dựng và định hướng chiến lược kinh doanh có hiệu quả hơn, với định hướng tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành then chốt. Đồng thời chuyển dịch mô hình kinh doanh ngân hàng theo hướng tăng cường nguồn thu từ dịch vụ, tăng cường năng lực quản trị kinh doanh và rủi ro ngân hàng, cũng như xây dựng các giới hạn nhằm hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn, người liên quan về các giới hạn sở hữu cổ phần và sở hữu chéo lẫn nhau.
Thực tế, việc các quy định của NHNN về giám sát các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn áp dụng cho các TCTD triển khai trong các năm vừa qua đã góp phần tăng cường năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam. 10 NHTM cũng đã được lựa chọn để triển khai giai đoạn đầu áp dụng Basel II theo lộ trình sẽ đưa vào thực hiện trong năm 2018. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho thấy tinh thần hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam theo thông lệ quốc tế.
Từ những kết quả tích cực đạt được trong các năm qua, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục một giai đoạn mới mang tính toàn diện hơn. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng”, Thống đốc cho biết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng cần được xem xét và triển khai khẩn trương, quyết liệt cho một số vấn đề còn tồn tại.
Đầu tiên là vấn đề xử lý nợ xấu. Quá trình này hiện được thực hiện thông qua việc các TCTD chủ động triển khai các giải pháp thu hồi nợ trực tiếp từ khách hàng, hoặc thực hiện bán nợ cho Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Thực chất kết quả VAMC thu hồi nợ xấu từ các khoản nợ mua lại là rất khiêm tốn. Chúng tôi kỳ vọng VAMC có được sự hỗ trợ về cơ chế và chính sách trong việc thanh lý tài sản đảm bảo, bán nợ, thực hiện tái cơ cấu nợ… để VAMC tích cực và chủ động hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động sáp nhập giữa các NHTM tuy là xu hướng tích cực theo đề án tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam, nhưng vẫn cần thêm những cơ chế để thật sự nâng cao chất lượng tài sản, năng lực quản trị và điều hành cũng như công tác quản lý rủi ro hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập.
Cuối cùng chính là năng lực quản trị rủi ro hoạt động ngân hàng. Việc NHNN ban hành Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ áp dụng cho các TCTD chính là nhằm củng cố hệ thống kiểm soát nội bộ và chức năng kiểm toán nội bộ, vốn được xem là hệ thống phòng thủ thứ hai và thứ ba trong bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào. Tuy nhiên với thị trường ngày càng phát triển với những độ phức tạp ngày càng cao kéo theo rủi ro lớn đang đặt ra thách thức về năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng Việt Nam.
Làm sao để tận dụng cơ hội mới?
Kết quả tái cơ cấu hệ thống các TCTD 5 năm qua, kỳ vọng ở đề án tái cơ cấu cho 5 năm tới, chuyên gia Kinh tế trưởng Obstfeld bày tỏ sự ủng hộ đối với các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách của Việt Nam, đặc biệt là trong cải cách chính sách tài khóa, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Những bày tỏ này hoàn toàn trùng khớp với định hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn kế tiếp. Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đang chào đón các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn vào công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Tín hiệu tích cực là Nghị định 01/2014/NĐ-CP đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện về tiềm lực tài chính sẽ được sở hữu vượt mức 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam, theo quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ cho từng trường hợp. Bên cạnh đó, Quốc hội đã vừa thông qua Luật Đấu giá tài sản, trong đó cho phép đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của VAMC để xử lý nợ xấu của các TCTD Việt Nam cũng là một tin vui cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả, ngân hàng trong nước trước tiên cần tiếp tục chú trọng xây dựng mô hình quản trị ngân hàng minh bạch, tăng cường năng lực tài chính thông qua việc kiểm soát nợ xấu và quản lý rủi ro tín dụng. Chính phủ cũng cần có giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu vốn được xem là chậm do thị trường mua bán tài sản còn nhiều hạn chế, các tài sản đảm bảo khó xử lý do vướng nhiều cơ chế từ khâu thi hành án đến đấu giá tài sản, cũng như việc chưa có một thị trường mua bán nợ…