Nỗ lực kiểm soát hàng lậu
Gian nan chống hàng giả, hàng lậu | |
Quyết liệt chống hàng lậu, hàng giả dịp Tết |
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhiều năm qua, Ban đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và đạt được nhiều kết quả, nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu được tổ chức khép kín và các ông “trùm” rất ít lộ diện.
Còn theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ chức năng tại các vùng biên giới để hàng lậu có thể lọt vào thị trường nội địa, gây khó cho công tác đấu tranh, ngăn chặn. Việc bắt giữ đã khó và xử lý lại càng khó hơn. Thống kê cho thấy, số vụ khởi tố chưa tới 10% tổng số vụ việc bắt giữ.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng để phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu |
Hàng lậu hiện diện khá phức tạp, hầu hết các tuyến giao thông từ hàng không, đường sắt, đường thủy đến đường bộ đều có thể phát hiện hàng lậu. Đơn cử, mới đây, Phòng 7, Cục cảnh sát phòng chống buôn lậu, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng và Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra đột xuất các toa hàng tàu lửa SE19 từ ga Hà Nội về ga Đà Nẵng.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên các toa cuối cùng có hàng trăm bao tải hàng hóa, khoảng hơn 10 tấn gồm quần áo, giày dép… do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu gian lận thương mại. Số hàng hóa này được đóng kín trong các túi nylon màu đen và bọc bên ngoài là các bao tải dứa màu xanh. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật để điều tra làm rõ.
Không chỉ hoạt động mạnh trên tuyến đường bộ, đường sắt, tuyến đường biển nổi lên một số vụ gian lận trong khai báo hàng hóa. Cụ thể, trong tháng 7 và 8/2016, Hải quan Đà Nẵng phát hiện hai DN tại Đà Nẵng và Bình Định, xuất hàng đá thủ công mỹ nghệ nhưng thực chất lô hàng bên trong là gỗ, khai là vải vụn nhưng bên trong là đồng.
Trên tuyến hàng không, Hải quan sân bay Đà Nẵng cũng phát hiện hành khách mang hàng biếu tặng, nhưng thực chất là thuốc an thần, thuốc gây nghiện... “Thủ tục hải quan điện tử hiện nay thông thoáng nhiều. Vì vậy, một số DN đã lợi dụng để buôn lậu và gian lận thương mại”, đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng nhìn nhận.
Chỉ riêng tại Đà Nẵng, thời gian qua, các ngành thành viên thuộc Ban chỉ đạo 389/TP đã tịch thu, tiêu hủy 50.503 đơn vị hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ với trị giá trên 10 tỷ đồng. Riêng chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng tiêu hủy 37.128 đơn vị hàng hóa, trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường TP. Đà Nẵng kiểm tra trên 8.800 vụ, xử phạt gần 7.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu xử phạt và bán hàng trên 19,7 tỷ đồng.
Trong đó, hàng cấm: 18 vụ, phạt 318 triệu đồng; hàng nhập lậu: 71 vụ, xử phạt trên 272 triệu đồng; gian lận thương mại 960 vụ, xử phạt trên 981 triệu đồng; hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: 171 vụ, xử phạt gần 909 triệu đồng; vi phạm trong kinh doanh: 5.769 vụ, xử phạt trên 16 tỷ đồng.
Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng đánh giá, thành phố nằm trên trục giao thông nối 2 miền Nam - Bắc, do đó, đây là khu vực trung chuyển, phân phối hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chủ yếu từ các địa phương khác hoặc nhập lậu từ các nước lân cận.
Thực tế cho thấy, các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào để qua mặt lực lượng chức năng. Do đó, luôn đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, quá trình hội nhập kinh tế đang mở ra cơ hội cho hàng hóa của các nước vào Việt Nam. Nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại với số vụ vi phạm năm sau tăng hơn năm trước. Cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc triệt phá bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thời gian từ nay đến Tết Đinh Dậu được các cơ quan chức năng đánh giá là giai đoạn hàng lậu diễn ra phức tạp nhất trong năm. Do đó, Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng cho hay, sẽ tăng cường kiểm tra chống buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Đặc biệt, chú trọng công tác dự báo, phân tích thị trường, nắm bắt thông tin kịp thời để có biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, tập trung bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, lợi dụng tình hình khó khăn để gây bất ổn thị trường…
Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, theo Tổng cục Cảnh sát, từ nay đến cuối năm, lực lượng công an sẽ đẩy nhanh việc xử lý các vụ án, làm rõ các đối tượng phạm tội. Tổng cục Cảnh sát sẽ mở các đợt cao điểm, tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm từ biên giới đến các tuyến buôn lậu trọng điểm, qua đó ngăn chặn hoạt động đưa hàng lậu vào Việt Nam. Sự phối hợp trong công tác chống buôn lậu sẽ đồng bộ cùng với sự tham gia của nhiều lực lượng.