Nợ thuế đe dọa nguồn thu ngân sách
DN nợ đọng thuế đã tăng lên 45% trong nửa đầu năm 2012
“Chưa bao giờ thu ngân sách khó khăn như năm nay, vì sản xuất kinh doanh gặp khó”, ông Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Tài chính đã nói trong Hội nghị đưa ra giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2012 diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua ở TP. Hồ Chí Minh.
Không tiêu thụ được hàng hóa khiến nhiều DN không có nguồn thu để nộp nghĩa vụ cho NSNN. (Ảnh: PV)
3 lĩnh vực thất thu thuế
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số thuế nợ đọng trong nửa đầu năm 2012 đã hơn 51 ngàn tỷ đồng, tăng 45% so với cuối năm 2011; trong đó, tập trung chủ yếu ở các DN ngoài quốc doanh. Số địa phương thu thuế không đạt chủ yếu nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Ba lĩnh vực tồn đọng thuế nổi lên: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên khoáng sản và tài chính. Lãnh đạo một số cục thuế phân tích, con số nợ thuế tăng nhanh trong nửa đầu năm 2012 phản ánh thực trạng khó khăn của DN do chi phí sản xuất tăng cao. Nhất là các DN sản xuất kinh doanh xây dựng, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, ở khu vực DN ngoài nhà nước, có cả một số DN lớn. Hàng ngàn tỷ đồng nợ thuế nằm trong các DN kinh doanh bất động sản ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều DN bất động sản không có thu do dự án đã ký hợp đồng, nhưng không triển khai xây dựng do vướng giải tỏa đền bù đất đai. “Nợ thuế của địa bàn chúng tôi 6 tháng qua tăng lên rất nhanh, đã có cảnh báo từ Tổng cục Thuế. Nợ thuế chủ yếu rơi vào tiền sử dụng đất do không thỏa thuận giải quyết được giá đền bù đất”, ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh nói.
Sự khó khăn của thị trường tiêu dùng dẫn đến không phát sinh các loại thuế gián thu và thuế thu nhập DN. 6 tháng đầu năm số thuế giá trị gia tăng (VAT) tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm 53,7%, có đến 21,6% số DN không có thuế VAT để nộp. Để tăng nguồn thu ngoại tệ, khuyến khích tiêu dùng cho người ngoại quốc, gần đây cơ quan thuế đã thí điểm hoàn thuế VAT khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng lại thiếu tuyên truyền cho người nước ngoài. Ngoài ra, một căn bệnh nặng trong việc trốn thuế gián thu nằm ở hệ thống bán lẻ trong xã hội là các nhà hàng, quán ăn, khách sạn,… tuyệt nhiên không xuất hóa đơn cho người sử dụng dịch vụ. Người mua hàng cũng không có thói quen lấy hóa đơn, mỗi khi ra đường ăn uống đều thanh toán bằng tiền mặt; hoặc khi đề nghị lấy hóa đơn lại bị chủ hàng “chặt” 10% thuế VAT nên bỏ luôn. Từ đây dẫn đến các hoạt động trốn các loại thuế khác của hàng chục triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước, gây bất bình đẳng trong các DN nộp thuế đầy đủ. “Phải có một quy trình cho cán bộ thuế đi kiểm tra tình trạng không xuất hóa đơn trong hệ thống phân phối bán lẻ cả nước mới có thể chống thất thu thuế, hiện nay”, lãnh đạo một số cục thuế nêu ra điểm vướng mắc.
Tổng cầu tăng vào những tháng tới
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thể hiện tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, TP. Hồ Chí Minh địa phương đã có tăng trưởng cao trong quý II/2012 (GDP 8,2%). |
Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012 của ngành thuế là 581,6 ngàn tỷ đồng, đưa ra từ đầu năm đến thời điểm này chưa có điều chỉnh, trong đó kế hoạch thu cho ngân sách 6 tháng đầu năm mới đạt 45,5% dự toán. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ yêu cầu, bắt đầu từ tháng 7 ngành thuế phải phấn đấu bình quân mỗi tháng ngân sách đạt 10% dự toán và tin rằng làm được. Ngoài ra phần thuế nào Chính phủ miễn giảm để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích thích thị trường phải được thực hiện nghiêm một cách công khai minh bạch, không để lợi dụng. Nhà nước sẽ thanh tra vấn đề này để tạo sự công bằng cho người nộp thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhắc nhở cục thuế các địa phương tập trung vào 3 lĩnh vực thuế sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, tài chính đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, tin rằng 6 tháng cuối năm 2012 tổng cầu nền kinh tế sẽ tăng lên trên cơ sở: tháng 6 lượng giải ngân đầu tư công đã là 14% kế hoạch năm tăng cao hơn nhiều so với 5 tháng trước đó chỉ có 20%, trong 6 tháng cuối năm dư địa đầu tư công sẽ còn 66%. Ngoài ra Chính phủ sẽ cho ứng trước vốn đối với các công trình dự án cấp bách bằng vốn trái phiếu. Tổng cộng nguồn vốn ngân sách từ tháng 7 đến hết năm 2012 vào khoảng 76,5 ngàn tỷ đồng sẽ giải quyết cùng lúc cho sức cầu trên thị trường. Với việc lãi vay giảm nhanh, đặc biệt hệ thống ngân hàng đã đưa lãi vay các khoản vay cũ xuống 15% sẽ tạo ra sự lan tỏa cho thị trường. Khi DN phục hồi sản xuất kinh doanh, nền kinh tế ổn định trở lại sẽ tạo thuận lợi cho thuế gián thu và các loại thuế khác.
Phạm Hà Nguyên