Định vị thương hiệu trong dòng chảy thông tin
Sức chiến đấu của ngòi bút trên đường hội nhập | |
95 tác phẩm đạt Giải báo chí Quốc gia lần thứ XI – năm 2016 |
Bảo vệ lẽ phải - sự định vị lớn nhất
Theo một thống kê, dân số Việt Nam có 94 triệu người thì 46 triệu người dùng facebook và các mạng xã hội khác; 46 triệu người đó chính là những người… “làm báo”. Điều đó tạo nên cuộc đua giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội từng giờ, từng phút, thậm chí từng giây.
Báo mạng đang lấn át báo giấy, YouTube lấn át đài truyền hình. Đến khi facebook có chức năng phát sóng trực tiếp (livestream) thì mạng xã hội thật sự tạo ra cuộc “cách mạng thông tin”, khiến những người làm báo chuyên nghiệp đứng trước nhiều thách thức, buộc phải đổi mới hơn, năng động hơn, tạo sự tương tác nhiều hơn với độc giả...; tòa soạn phải theo mô hình đa phương tiện; phóng viên cũng phải hội tụ kỹ năng “3 trong 1” (viết, chụp ảnh, quay phim)…
Hàng loạt yêu cầu và thách thức đặt ra cho báo chí truyền thống. Song, dù mạng xã hội phát triển rầm rộ thế nào đi nữa, độc giả vẫn cần thông tin chính xác, đa chiều, theo đuổi đến cùng vụ việc…
Giữa tháng 7/2014, trên trang An ninh tiền tệ - Thời báo Ngân hàng có đăng bài viết “Bảo hiểm bắt bí khách hàng”. Nội dung bài báo phản ánh việc CTCP Bảo hiểm AAA chi nhánh Nghệ An từ chối chi trả bảo hiểm cho Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Mặc dù trước đó, đơn vị này đã mua bảo hiểm cho chiếc xe ôtô hiệu Toyota Fotuner và bị tai nạn.
Về lý do từ chối bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm AAA giải thích: “Cuộc điện đàm đã được ghi âm khi khách hàng thông báo tai nạn cho đường dây nóng, Công ty Bảo hiểm AAA xác định: Lái xe điều khiển xe có sử dụng bia rượu khi điều khiển xe ô tô gây tai nạn”.
Theo các luật sư mà báo tham vấn, lý do này hoàn toàn không đủ cơ sở pháp lý để CTCP Bảo hiểm AAA từ chối bảo hiểm cho khách hàng. Để khẳng định người điều khiển có sử dụng bia rượu hay không phải căn cứ vào biên bản tai nạn giao thông của cơ quan chức năng. Trong đó, phải thể hiện rõ nồng độ cồn, trạng thái của người điều khiển… Trong khi đó, tại biên bản vụ tai nạn giao thông của công an huyện Yên Thành lập hoàn toàn không có chi tiết nào thể hiện việc lái xe đã sử dụng bia rượu…?
Chỉ sau khi bài báo được đăng một ngày, phía CTCP Bảo hiểm AAA đã có công văn gửi Thời báo Ngân hàng và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) với nội dung phản ánh bài báo trên Thời báo Ngân hàng “đăng thông tin không chính xác, không có chứng cứ xác thực, cũng như không được cung cấp chính thức bởi đại diện hợp pháp của CTCP Bảo hiểm AAA” và đề nghị “ngay tức khắc gỡ bỏ, đính chính thông tin và không tiếp tục đăng tải các bài viết liên quan đến CTCP Bảo hiểm AAA khi chưa có sự cung cấp thông tin một cách chính thức từ công ty này”?
Theo chỉ đạo của Tổng biên tập, Thời báo Ngân hàng một mặt có báo cáo phản hồi với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, mặt khác tiếp tục cử phóng viên theo đuổi đến cùng sự việc. Và đến cuối tháng 7/2014, CTCP Bảo hiểm AAA đã chấp nhận bồi thường bảo hiểm tai nạn cho xe ôtô của Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành.
Đến đây dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Nếu Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành không khởi kiện và không phản ánh tới cơ quan báo chí thì liệu CTCP Bảo hiểm AAA có chịu thực hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng như đã cam kết?
Tương tự, vào khoảng cuối tháng 2/2012, Tập đoàn Trung Nam đã có đơn kiến nghị gửi đến Thời báo Ngân hàng phản ánh về việc Westernbank chậm trễ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho DN. Nhận thấy mục đích của dịch vụ bảo lãnh ngân hàng là để giúp các DN giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch.
Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của các DN, các ngân hàng cần phải đặt chữ tín của mình lên trên hết. Qua sự việc như Tập đoàn Trung Nam phản ánh, nếu Westernbank chậm trễ hoặc không thực hiện nghĩa vụ cam kết bảo lãnh của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của Westernbank mà của cả ngành Ngân hàng.
Sau khi nghiên cứu tất cả các hồ sơ liên quan, mặc dầu đành phải “tuyên chiến” với một ngân hàng trong Ngành, song với suy nghĩ phải đặt uy tín của ngành Ngân hàng lên trên hết, Thời báo Ngân hàng sau đó đã có bài viết: “Thấy gì qua việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Westernbank với Tập đoàn Trung Nam?
Cùng với việc dẫn chứng từ các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Trung Nam đến các chứng thư bảo lãnh thanh toán của Westernbank, cũng như lời giải thích cho việc chậm trễ thực hiện cam kết bão lãnh, Thời báo Ngân hàng đã đưa những ý kiến phân tích của các chuyên viên ngành Ngân hàng.
Qua đó cho thấy, bảo lãnh ngân hàng chính là việc ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng của hợp đồng khoản đền bù trong phạm vi của số tiền được nêu rõ trong giấy bảo lãnh nếu bên đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình trong hợp đồng. Căn cứ vào những nguyên tắc ở trên, thì Westernbank phải có trách nhiệm thực hiện cam kết bảo lãnh của mình theo như nội dung của chứng thư bảo lãnh thanh toán.
Sau khi Thời báo Ngân hàng phát hành, theo kiến nghị của bài báo, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có ý kiến về vụ việc và không lâu sau đó Westernbank đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình với Tập đoàn Trung Nam.
Dẫn chứng lại hai vụ việc trên, để thấy rằng trong cuộc đua của dòng chảy thông tin, kể cả có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình báo chí, bảo vệ lẽ phải, theo đuổi đến cùng vụ việc, bằng những thông tin chính xác, đa chiều, đặc biệt là bản lĩnh dấn thân của người làm báo vẫn là thế mạnh của báo chí truyền thống mà bạn đọc đang cần và hướng tới.
Khai thác thế mạnh của riêng mình
Anh bạn tôi, giám đốc một chi nhánh ngân hàng, là bạn đọc thường xuyên của vài ba tờ báo. Bỗng một hôm như thường nhật đến ngồi cà phê, anh lại mang thêm cuốn Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp và đọc say mê. Vài hôm sau, lại thấy anh không những mang theo các cuốn Kiến trúc nhà đẹp số mới xuất bản mà có cả những số báo đã cũ.
Mọi người thấy làm lạ nói đùa: Hình như anh định chuyển nghề sang làm kiến trúc sư hay sao mà nghiên cứu kiến trúc nhiều vậy. Lúc này anh mới thú thật. Sau thời gian dài tích cóp. Vợ chồng anh định xây dựng ngôi nhà. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm, theo mách bảo của một người bạn, anh đã tìm mua Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp để tìm hiểu về các mẫu kiến trúc.
Càng đọc anh càng thấy thú vị khi nó thoả mãn được yêu cầu muốn tìm hiểu của anh như: Phong thuỷ, trang trí nội thất, tính năng từng loại vật liệu xây dựng, thêm cả mục tư vấn của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng...
Câu chuyện làm tôi nhớ lại câu nói của một chuyên gia kinh tế: Không nên cạnh tranh cái hơn thua mà nên cạnh tranh cái riêng biệt. Thật lý thú, khi gần đây tình cờ đọc được “Chiến lược đại dương xanh” (NXB Tri thức) của Kim và Mauborgne, tác giả của cuốn sách đã chỉ ra một chiến lược đơn giản: Hãy bơi trong luồng nước rộng. Đừng cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại, hãy tạo ra một thị trường không có cạnh tranh. Đừng khai thác tiếp các nhu cầu hiện có, hãy tạo ra và dành lấy các nhu cầu mới.
Có thể nói, hiện nay mỗi ngành đều có báo. Với đặc thù báo ngành là tiếng nói của ngành chủ quản nên lượng nội dung phần lớn là tập trung tuyên truyền cho trong ngành là chính. Lại phần lớn báo ngành chưa đủ điều kiện để ra nhật báo, với số lượng phát hành khá khiêm tốn, nên khi đến tay bạn đọc tin nóng đã trở thành tin… nguội.
Các nhà báo… ngành có khi cũng rất “tự ti” với tiếng nói của mình, do tầm “phủ sóng” chỉ quẩn quanh “Phe ta viết cho phe mình đọc”. Thế nhưng vài năm trở lại đây, với sự ra đời của báo điện tử và Website, tầm “phủ sóng” của báo ngành đã được cải thiện đáng kể, thậm chí có sức lan toả chẳng thua kém các báo bấy lâu nay được cho là “báo lớn”.
Tin nhanh đã đến được bạn đọc càng khuyến khích đội ngũ phóng viên phải nhanh nhạy hơn với “hơi thở” đời thường. “Thương hiệu” của các nhà báo... ngành nhờ vậy cũng được lan toả rộng hơn.
Khi bàn về vấn đề một số báo ngành muốn xã hội hoá về mặt nội dung, tổng biên tập của một tờ báo ngành thuộc diện “ăn nên, làm ra” đã chia sẻ kinh nghiệm: Không nên quá kỳ vọng vào việc xã hội hoá nội dung mà nên xã hội hoá cách làm báo (từ nội dung, phát hành, quảng cáo) còn riêng về nội dung vẫn giữ là tờ báo chuyên ngành, có chăng là đi sâu hơn và nâng tầm hơn những bài viết chuyên sâu ấy.
Ông còn phân tích, khi các tin nóng đã bão hoà, cái mà bạn đọc cần hơn là những bài phân tích đi sâu vào một vấn đề. Nếu chúng ta biết khai thác lợi thế của báo ngành thì đây mới là cái “mới hơn” mà tờ báo cung cấp thông tin cho bạn đọc.
Trong một lần trò chuyện với người viết, ông Võ Duy Khương, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho rằng: Có thể nói mặc dầu là một tờ báo ngành, Thời báo Ngân hàng đã thể hiện là cầu nối giữa ngành Ngân hàng với chính quyền địa phương, giữa NHNN với các TCTD trên địa bàn và hơn nữa đã làm tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa các ngân hàng với khách hàng của mình là các DN trên địa bàn.
Báo chí cũng là một dạng hàng hoá nhưng là loại hàng hoá đặc biệt. Mỗi tờ báo có một lượng khách hàng (độc giả) riêng. Xác định cho mình một đối tượng bạn đọc cũng là cách để nâng cao chất lượng phục vụ và làm tốt hơn những kỳ vọng của “ thượng đế” vậy.
Nhà báo Chánh Trinh từng nói: "Không có cây đa, cây đề trong làng báo, mà chỉ có ngày mai anh có cái gì mới hơn tôi". Mỗi tờ báo đều có thế mạnh của riêng mình. Quan trọng là chúng ta khai thác và phát huy thế mạnh ấy như thế nào để định vị thương hiệu trong lòng độc giả vậy?