Nỗi lo tăng vốn của các “ông lớn”
Vietbank được chấp thuận tăng vốn | |
Ngân hàng lớn vẫn gặp lực cản tăng vốn | |
Thực hiện Basel II: Đường dài mới biết ngựa hay |
Tình thế cấp bách của các ngân hàng quốc doanh
Câu chuyện tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh lại một lần nữa nóng lên khi ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank lên tiếng cảnh báo về sự cấp bách của vấn đề này tại một hội nghị quan trọng của ngành Ngân hàng vừa diễn ra.
Vì sao việc tăng vốn lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết? Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo cấp cao của 3 NHTM có vốn nhà nước đều có chung “đáp án”: Hiện tỷ lệ an toàn vốn theo tính toán hiện nay của các ngân hàng này đã chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn vốn. Nếu áp dụng tỷ lệ này theo tiêu chuẩn Basel II có thể vi phạm an toàn.
Không tăng được vốn sẽ ảnh hưởng tới khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng |
Điều đáng chú ý nữa là hiện 4 NHTM có vốn nhà nước lớn bao gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank chiếm tới hơn 50% tổng dư nợ tín dụng của toàn Ngành. Bởi vậy, nếu các NH này không tăng được vốn, việc cấp tín dụng cho cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu vẫn vượt rào cấp tín dụng, các NH này sẽ đặt cả hệ thống vào rủi ro. Chính vì lẽ đó, mặc dù cả Vietcombank, VietinBank và BIDV có thể nằm trong trường hợp đặc biệt được nới trần tăng trưởng tín dụng theo quy định tại Chỉ thị 04 do tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhưng lãnh đạo các ngân hàng trên tỏ ra thận trọng khi cho biết, trong thời gian sắp tới, khi chưa được tăng vốn thì các ngân hàng sẽ ưu tiên kiểm soát chất lượng tín dụng thay vì tốc độ tăng trưởng.
Trước thực tế hơn ba năm trở lại đây, cả 3 ngân hàng trên gần như không tăng thêm đồng vốn nào, trong khi lại đang phải đối mặt với nhiều áp lực về cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là phải nâng hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đưa ra cảnh báo, nếu không nhanh chóng tăng vốn, khả năng tăng trưởng của các ngân hàng lớn tại Việt Nam sẽ chững lại và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của hệ thống.
Theo tính toán của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tăng vốn gấp 1,8 - 2 lần so với hiện tại. Như vậy, ước tính, cả hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 7 tỷ USD để tăng vốn trong năm 2018 và 2019. Với quy mô hoạt động như hiện nay, một nửa áp lực đặt lên vai khối NHTM quốc doanh. Đó là thách thức không hề nhỏ đối với các ngân hàng này khi các quy định vẫn đang bó chân họ trong việc tăng vốn.
Khi “soi” kế hoạch tăng vốn của 3 ngân hàng này thì mỗi ngân hàng một cảnh. Khó khăn nhất có thể là trường hợp VietinBank khi ngân hàng đã cạn room để hút vốn ngoại. Sau khi đề xuất nới room cho nhà đầu tư ngoại không được chấp thuận, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đã phải chuẩn bị vài phương án bổ sung vốn cấp bách để trình NHNN, Chính phủ và đang chờ phê duyệt.
Trong khi đó, mặc dù hiện room ngoại của BIDV còn nguyên, tuy nhiên, BIDV đang đợi Chính phủ phê duyệt nhà đầu tư ngoại mà ngân hàng này đã lựa chọn. Tuy chưa chính thức công bố nhưng giới đầu tư đồn đoán đối tác ngoại mà BIDV chọn là Hana KEB (Hàn Quốc) khi vào cuối năm ngoái hai ngân hàng này đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Riêng Vietcombank xem ra là có nhiều lợi thế hơn so với VietinBank và BIDV khi được chấp thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại để tăng vốn, nhưng vẫn gặp rào cản từ hoạt động này.
Vướng mắc mà ngân hàng này gặp phải được ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, thời gian qua, Vietcombank đã được phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, có điểm khó đối với hoạt động này đó là giá vừa phải đảm bảo không thấp hơn giá định giá, vừa không thấp hơn giá thị trường. Chưa kể mua lô lớn, các nhà đầu tư phải giữ trong vòng một năm mới được bán cho nhà đầu tư khác. Đây thực sự là quy định khó khăn cho ngân hàng.
Việc khống chế thời gian chuyển nhượng cũng là một trong hai lý do khiến xác suất để Vietcombank có thể phát hành được toàn bộ 10% vốn này trong năm 2018 là rất thấp. Bên cạnh việc người mua cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm, hiện tại ở mức giá trung bình khoảng 60.000 đồng/CP, cổ phiếu của Vietcombank đang giao dịch với mức P/B 2018 khoảng 3.6, không thực sự hấp dẫn so với P/B của các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt khác.
Tìm cách gỡ bí
Trước mắt để các ngân hàng có đủ vốn đáp ứng được các quy chuẩn của Basel II cũng như cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị cho phép các NHTM Nhà nước giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục cho phép các ngân hàng bán vốn, thoái vốn cũng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ để thực hiện tăng vốn.
“Vietcombank mong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan rà soát lại cơ chế đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt quyền lợi cổ đông, quyền lợi nhà nước cũng như đảm bảo thuận lợi cho việc tăng vốn của ngân hàng”, ông Thành bày tỏ.
Đồng tình với các phương án trên, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc cấp bách. Về lâu dài, kênh tăng vốn hiệu quả nhất của các NHTM quốc doanh chính là gọi vốn ngoại. Tuy nhiên hiện nay, tốc độ phê duyệt các phương án về đối tác ngoại còn khá chậm. Do vậy, cần phải đẩy nhanh tốc độ tiến trình này.
“Tất cả nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư chiến lược nói riêng đầu tư có thời điểm, chứ họ không thể chờ đợi mãi. Nên khâu xem xét phê duyệt các thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cần rất khẩn trương để các ngân hàng cũng như nhà đầu tư chớp được cơ hội. Qua đây cũng thể hiện đúng tinh thần Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, TS. Lực lưu ý tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các thương vụ bán cổ phần và cho biết thêm việc kéo dài thời gian phê duyệt ảnh hưởng đến giá bán thành công cổ phiếu.
Đơn cử, hai bên đàm phán thời điểm tháng 3 giá là 30.000 đồng/CP, nhưng thời điểm được phê duyệt rơi vào tháng 9 cùng năm đó giá chắc chắn sẽ thay đổi. Nên nếu lấy tham chiếu cách 1-2 tháng cũng là lỗi thời chưa nói đến thời điểm đàm phán. Do vậy cần phải thúc đẩy tiến độ phê duyệt phương án nhanh hơn, cùng với đó, nghiên cứu cách thức, cơ sở định giá cổ phiếu từ phía nhà nước không chỉ dựa trên thị giá mà phải trên cơ sở quan hệ cung cầu và cập nhật diễn biến thị trường để đảm bảo giá cổ phiếu đó sát với giá thị trường, khả năng giao dịch thành công cao hơn.
Một hướng đi mở cho các NHTM quốc doanh đó là theo Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ nắm vai trò chi phối, giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đối với 3 ngân hàng có vốn nhà nước. Tới năm 2025, tỷ lệ này chỉ còn cần đảm bảo ở mức 51%.
Song song với đó, một số chuyên gia cũng kiến nghị xem xét nới room ngoại để các ngân hàng này có thêm dư địa tăng vốn. Còn TS. Cấn Văn Lực đề xuất song song với triển khai tốt lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, Chính phủ nên nghiên cứu giải pháp phát hành cổ phiếu vàng. Với việc phát hành cổ phiếu này, Chính phủ không cần nắm tỷ lệ chi phối nhưng vẫn có quyền quyết định vấn đề quan trọng đối với các ngân hàng này.