Thực hiện Basel II: Đường dài mới biết ngựa hay
Basel II đi đến đoạn đường nào? | |
Ồ ạt tuyển nhân sự cho Basel II | |
Tăng vốn để tạo cuộc chơi công bằng |
Bước đi vì tương lai
Sau khi OCB bất ngờ tuyên bố đã áp dụng đầy đủ và toàn diện Basel II sớm hơn kế hoạch; thì đến cuối tuần qua, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đang ráo riết thực hiện những bước cuối cùng để tiến tới thực hiện áp dụng các chuẩn mực Basel II một cách toàn diện và đầy đủ trong tháng 7/2018. Nếu được triển khai như dự kiến, đây sẽ là ngân hàng lớn đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công, sớm trước mục tiêu của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 hơn hai năm.
Vietcombank đang ráo riết để tiến tới thực hiện áp dụng các chuẩn mực Basel II trong tháng 7/2018 |
Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác tiết lộ là ngân hàng này cũng sẽ áp dụng đầy đủ Basel II trong năm nay. “Khi nào bắt đầu triển khai, chúng tôi sẽ công bố, còn hiện tại ngân hàng chưa muốn thông tin sớm quá vì đang phải hoàn tất một số thủ tục quan trọng nữa. Thực tế, thời gian qua, ngân hàng đã tích cực ứng dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong phương thức kinh doanh theo hướng quyết định kinh doanh dựa trên rủi ro”, vị này chia sẻ.
Việc nhiều ngân hàng triển khai thành công chuẩn Basel II, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, sẽ tạo động lực cho các ngân hàng được chọn thí điểm cũng như các ngân hàng theo lộ trình tái cơ cấu toàn hệ thống đẩy nhanh áp dụng chuẩn Basel II, tăng cường minh bạch năng lực tài chính theo chuẩn mực quốc tế, nâng tầm vị thế NH trong khu vực. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thời gian còn lại đến năm 2020 không còn nhiều, trong khi các ngân hàng phải hoàn tất rất nhiều quy định, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe của Basel II.
Lãnh đạo OCB cũng thừa nhận NH phải đấu tranh tư tưởng rất lớn khi quyết định áp dụng các chuẩn mực của Basel II cũng như quá trình triển khai gặp nhiều thách thức. Để áp dụng quy định khắt khe của Basel II từ cơ sở thu thập dữ liệu cho đến các chỉ số an toàn vốn, ngân hàng chấp nhận sẽ chịu thiệt thòi trong trước mắt để dành chi phí lớn đầu tư công nghệ, nhân lực, hạn chế tăng trưởng tín dụng đảm bảo hệ số CAR theo quy định mới… nhưng ngân hàng cũng xác định quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là bước đi quan trọng đến gần hơn với tài chính thế giới, quan trọng hơn là tăng cường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền lợi, tối ưu hoá hiệu quả cho cả ngân hàng và khách hàng…
Nhưng còn nhiều gian nan
Một trong những vấn đề quan trọng và cũng là vấn đề được nhận định gây khó khăn lớn cho các ngân hàng lớn, nhỏ khi có ý định triển khai Basel II chính là thu thập dữ liệu để có thể đánh giá rủi ro trong quá khứ, định hình cho tương lai.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc thu thập dữ liệu trong quá khứ đối với ngân hàng mới, và quy mô nhỏ thuận lợi hơn những ngân hàng lớn. Bởi với quy mô nhỏ, lịch sử hoạt động chưa dài, việc thu thập dữ liệu nhanh hơn. Rõ ràng, một ngân hàng chỉ có vài chục nghìn khách hàng có giao dịch tín dụng sẽ thu thập dữ liệu nhanh hơn so với các ngân hàng có quy mô khách hàng lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu khách hàng.
Tuy nhiên, ngay trong vấn đề này, các ngân hàng nhỏ cũng điều bất lợi hơn. “Nếu quá khứ dữ liệu không thu thập được đầy đủ để phân loại khó có thể áp dụng được Basel II. Vì Basel II sử dụng dữ liệu quá khứ để định hình rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng nhỏ cũng hạn chế nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ thông tin phục vụ cho triển khai ứng dụng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II”, một chuyên gia lưu ý thêm.
Đúc rút kinh nghiệm từ việc triển khai thành công Basel II của OCB, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, ngân hàng lớn hay nhỏ không quan trọng bằng việc ngân hàng chuẩn bị tinh thần nhập cuộc thế nào. Nếu không có sự chuẩn bị ít nhất từ 3-5 năm về thu thập dữ liệu thì khó có thể triển khai thành công Basel II. Chẳng hạn, mẫu thông tin khách hàng theo quy định hiện hành thì không cần cập nhật thêm thông tin về hoạt động kinh doanh, ngành nghề của khách hàng. Nhưng nếu muốn tuân thủ Basel II cần phải có thông tin đó.
“Vì vậy, nếu ngân hàng muốn thu thập đầy đủ dữ liệu đầu vào của khách hàng thì phải có chiến lược từ sớm mới đảm bảo thực hiện được. Như tại OCB, ngay từ thời điểm triển khai khung quản trị rủi ro mới vào năm 2013, ngân hàng đã bắt đầu triển khai thu thập dữ liệu. Trong vòng hơn 3 năm, dữ liệu đủ chín, OCB mới thực hiện áp dụng Basel II vào cuối năm 2017”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Một vấn đề nữa đang khiến các ngân hàng lớn lẫn nhỏ khá đau đầu khi triển khai Basel II đó là đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù cố gắng tìm nhiều giải pháp tăng vốn để cải thiện hệ số CAR nhưng vẫn còn khá nhiều ngân hàng, thậm chí là các ngân hàng lớn chưa thể thực hiện được.
Theo tính toán của VCBS, để CAR tăng 1% thì vốn điều lệ của ngân hàng phải tăng thêm 8-10%. Trong đó các ngân hàng có vốn Nhà nước đang chịu nhiều áp lực hơn cả do không thể tự quyết định được “số phận”; và thường hệ số CAR của nhóm này thấp hơn khối NHTMCP do quy mô tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Không chỉ đối với ngân hàng chuẩn bị thực hiện, ngay cả những ngân hàng đang thực hiện cũng cảm thấy áp lực với đảm bảo an toàn vốn. Ông Tùng cho hay, vì Basel II không phải giải pháp về mặt kinh doanh hay chiến lược, mà nó là yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ ngân hàng. Cho nên, ngân hàng thực hiện luôn phải tuân thủ mọi yêu cầu với chuẩn mực cao hơn. Giả sử, trong quá trình hoạt động thấy rằng lộ trình tăng vốn không khả thi như dự định thì ngân hàng tự động điều chỉnh chỉ số tăng trưởng xuống cho phù hợp yêu cầu quy chuẩn Basel II đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Khi áp dụng các quy định mới theo chuẩn Basel II, ngân hàng phải điều chỉnh nhiều tiêu chí, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn để phù hợp yêu cầu của Thông tư 41 của NHNN, Basel II và triển khai trên tất cả các hoạt động kinh doanh từ tín dụng, ngoại hối, đầu tư…
Theo đó, trước mắt hoạt động kinh doanh sẽ không hiệu quả, và điều đó khiến ngân hàng phải chịu nhiều áp lực từ cổ đông. Nhưng về lâu dài, theo quan điểm của ông Tùng, việc tuân thủ các quy định theo chuẩn Basel II chắc chắn tốt cho ngân hàng nhiều vì lựa chọn những ngành kinh doanh rủi ro thấp hơn, thanh khoản cao hơn. Trong trường hợp xảy ra những biến động lớn, ngân hàng vẫn đảm bảo tăng trưởng một cách bền vững.
Những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội đã được nhận diện. Chặng đường đến với Basel II vẫn còn nhiều chông gai. Nhưng trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, chắc chắn đây là con đường tất yếu mà các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đi dù là nhanh hay chậm.