Nới room cho NĐT ngoại tại ngân hàng: Nên có nhiều "khung"
Xử lý căn bản, triệt để các TCTD yếu kém | |
Tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian | |
Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành |
TS. Võ Trí Thành |
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành cho rằng, dù chủ trương trên không phải là mới nhưng khi được đưa vào Đề án với lộ trình cụ thể thì trong tương lai các thương vụ hợp tác giữa NH nội ngoại sẽ xuôi chèo mát mái hơn.
Đâu là điểm cộng của hệ thống NH trong mắt NĐT nước ngoài thưa ông?
Điều chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất đó là những nỗ lực cải cách hệ thống NH từ thủ tục hành chính, số lượng NH niêm yết trên thị trường chứng khoán đang tăng lên, các chỉ tiêu an toàn hoạt động đáp ứng tốt hơn theo thông lệ quốc tế, thông tin minh bạch hơn… Qua đó, sức khỏe tài chính của các NH cũng dần phản ánh thực chất hơn.
Sự quyết tâm cải tổ hệ thống được thể hiện rõ qua Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, nhất là Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu đã bắt đầu có hiệu lực được kỳ vọng tháo gỡ những điểm tắc nghẽn tồn tại lâu nay trong hệ thống. Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô… là yếu tố quan trọng củng cố lòng tin của NĐT nước ngoài.
Vậy, theo ông, tỷ lệ sở hữu vốn cho NĐT nước ngoài ở mức nào là phù hợp?
Tại Đề án đã nêu rõ NHNN nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định quy định về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của họ đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế. Nhất là khuyến khích các NĐT tham gia xử lý TCTD yếu kém.
Theo tôi, chủ trương trên là khá hợp lý. Thực tế chúng ta đang thực hiện mục tiêu trên khi đã cho phép các NĐT nước ngoài mua đứt 100% vốn tại các TCTD yếu kém. Nhưng đối với các loại hình TCTD khác vẫn để ngỏ và đang được NHNN tính toán. Sự thận trọng này theo quan điểm của cá nhân tôi là rất cần thiết.
Như chúng ta biết, thường khi NĐT nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần tại TCTD hoạt động bình thường thì họ cần phải đảm bảo có tiếng nói trong HĐQT, tham gia các quyết định quan trọng của NH đó. Còn nếu tham gia tái cơ cấu một NH nội, mục tiêu sau cùng của họ là nắm quyền kiểm soát NH đó.
Xét ở khía cạnh này, mức độ tham gia khác nhau chắc chắn không thể có một tỷ lệ sở hữu chung được. Nhất là khi các giải pháp hạn chế rủi ro ngay cả trong bối cảnh thị trường có biến động mà vẫn đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo.
Tại Đề án này tôi cũng không thấy đưa ra nội dung đầy đủ chi tiết về vấn đề trên thì việc đưa ra các khung tỷ lệ khác nhau có ý nghĩa quan trọng. Ngay cả đối với những đối tác nước ngoài cũng phải lựa chọn kỹ càng, có đối tác có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên và ngược lại.
Bởi trong điều kiện bình thường mọi thứ đều thuận lợi nhưng khi thị trường có biến động, nếu dòng tiền chảy mạnh ra bên ngoài rủi ro không chỉ là hệ thống mà cả nền kinh tế. Thực tế này đã xảy ra, Hunggary là một điển hình.
Để hạn chế được những rủi ro bất thường khi có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các NĐT nước ngoài vào hệ thống NH, theo tôi, bên cạnh sự tính toán tỷ lệ sở hữu cho từng loại hình TCTD phù hợp thì phải gắn với lộ trình mở cửa tài khoản vốn, đưa đồng VND chuyển đổi một cách đầy đủ. Nhiều nước trên thế giới khá cởi mở tài khoản vốn nhưng họ đều có quy định hình thức phạt khi các NĐT nước ngoài vi phạm như áp thuế, khống chế thời hạn hoạt động…
Đâu là yếu tố then chốt để NĐT nước ngoài tích cực tham gia vào hoạt động của các NH Việt Nam, thưa ông?
Ngoài tỷ lệ sở hữu vốn, sự minh bạch thông tin của các TCTD, một vấn đề mà các NĐT ngoại chắc chắn sẽ quan tâm đến đó là các cơ chế phải rõ ràng. Giả sử các NĐT mua lại các NH yếu kém thì nên có cơ chế hỗ trợ riêng như liên quan đến thủ tục, giá cả…
Tôi nghĩ rằng, quá trình tái cơ cấu của hệ thống NH vẫn còn nhiều bộn bề vì thế việc kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn trong thời điểm này không hề dễ nếu không nói là còn nhiều khó khăn. Dù câu chuyện về xử lý nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng xét một cách công bằng, hệ thống NH đã có nhiều nỗ lực nhất là sự minh bạch đã được cải thiện tích cực. Theo tôi, với sự quyết liệt cải tổ hệ thống, ít nhất phải cuối năm 2018, đầu năm 2019 chúng ta mới có thể chứng kiến một vài thương vụ NH nội, ngoại bắt tay thành công.
Xin cảm ơn ông!