Nới room ngoại: Không thể nôn nóng
Lại bàn về nới room ngoại của nhà băng | |
Nới room ngoại vẫn cần thận trọng | |
Thận trọng khi nới room ngoại |
Áp lực cạnh tranh
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, hiện vẫn còn room để phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nên kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép nhà băng này nới tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài thêm nữa, trong khi vẫn giữ tỷ lệ phần vốn của nhà nước ở mức 65%. Đáng chú ý là đề xuất này đến ngay sau khi Vietcombank vừa bán thành công 3% cổ phần cho 2 đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho), thu về 6.200 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có nguồn vốn lớn nhất hệ thống.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng kiến nghị, Chính phủ và NHNN sớm tháo gỡ các điều kiện ràng buộc trong việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán chiến lược cho nhà đầu tư ngoại.
Việc cơ quan quản lý xem xét nới room thận trọng là hợp lý |
Có thể thấy, việc hút vốn ngoại vẫn là mục tiêu của nhiều ngân hàng, nhất là trong bối cảnh áp lực trước nhu cầu tăng vốn hiện nay. Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, với nhu cầu tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của các ngân hàng trong thời gian tới thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần xem xét tiếp tục nới. Quan trọng hơn, thiếu dòng vốn ngoại, các ngân hàng niêm yết cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu...
Không chỉ vậy, Việt Nam đã chính thức tham gia CPTPP, đồng nghĩa sắp tới đây sự cạnh tranh giữa nhà băng nội với các ngân hàng nước ngoài chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt hơn, buộc các ngân hàng trong nước phải bổ sung vốn để tăng năng lực tài chính. Tăng được vốn, ngân hàng có thể mở rộng được quy mô hoạt động của mình. Một chuyên gia nêu quan điểm, chúng ta nên mạnh dạn để nới room ngoại cho các nhà băng, có thể lên tới tỷ lệ 51%, bởi đây là động thái cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP (khoản 5, điều 7), không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Trong khi ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC từng chia sẻ, việc tái cơ cấu ngân hàng có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế, là đa phần các ngân hàng toàn cầu, ngân hàng trong khu vực hiện nay đã phải tuân thủ theo Basel III, có nghĩa khả năng tham gia làm cổ đông chiến lược tại các ngân hàng sẽ không còn nhiều như trước đây nữa. Vì vậy, đã tới lúc cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ thấp thì đa phần họ sẽ không có nhiều mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu.
Cần lộ trình phù hợp
Không phủ nhận cơ hội mở ra cho ngân hàng nội khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng xem xét nới room cho các nhà đầu tư ngoại để đảm bảo sự an toàn và ổn định của cả hệ thống tài chính; nếu mở chỉ nên mở với từng loại hình TCTD cụ thể và có lộ trình. Theo TS. LS Bùi Quang Tín, để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, việc tiếp tục kiểm soát và có lộ trình sở hữu nhà nước tại các ngân hàng vẫn là cần thiết ở thời điểm này.
Hiện NHNN cũng đang đi theo hướng này. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng có đề cập tới nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém.
Chính phủ và NHNN cũng nhiều lần nhắc tới việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Đây cũng được xem sẽ là cơ hội cho những nhà băng này hồi sinh. Thêm nữa, với kinh nghiệm quản trị của các nhà băng ngoại sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những ngân hàng này tăng trưởng, phát triển bền vững trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Từ đó tác động tích cực tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tất nhiên, để làm được điều này không đơn giản, do khuôn khổ pháp luật cũng như thoả thuận về giá cả của hai bên.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, muốn hấp dẫn và thu hút được vốn nước ngoài, bản thân các ngân hàng cũng phải có ý thức tự “tái cơ cấu” trước đã. Với các đối tác nước ngoài, vấn đề minh bạch là điều tối quan trọng. Khi nhà băng đáp ứng được yếu tố này, thì việc gọi vốn cũng sẽ bớt đi phần nào khó khăn.
Việc xem xét nới room ngoại hay không theo chuyên gia đã nằm trong lộ trình và nghiên cứu của Chính phủ cũng như NHNN. Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, theo hướng gỡ dần mức hạn chế đối với nhà đầu tư ngoại với các DNNN và công ty niêm yết vào cuối năm 2019. Trong đó, room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến được nâng, nhưng không vượt quá 50%.