Nới room trái phiếu ít ảnh hưởng đến lãi suất
Đã huy động được gần 97 nghìn tỷ đồng TPCP | |
Trái phiếu ngắn hạn vẫn trong ‘tầm ngắm’ | |
Lãi suất tiết kiệm ở đâu cao? |
Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016. Theo đó, tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) của các NHTM Nhà nước được nâng từ mức 15% vốn ngắn hạn lên 25%; các chi nhánh NH nước ngoài cũng được nâng tỷ lệ này từ 15% lên 35%.
Một số ý kiến cho rằng, với sự sôi động của hoạt động đầu tư TPCP trong 5 tháng vừa qua, việc nới room mua trái phiếu cho khối NHTM lớn sẽ tạo sức ép lên lãi suất huy động. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ các diễn biến thị trường, có thể nhận định, sức ép lên lãi suất tiết kiệm trong nửa cuối năm 2016 sẽ không quá lớn.
Đã vượt qua “đỉnh” huy động
Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 157.100 tỷ đồng trái phiếu thông qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Trong năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, trong 7 tháng cuối năm tổng lượng trái phiếu phát hành các kỳ hạn sẽ chỉ còn khoảng trên 60.000 tỷ đồng.
Nới room trái phiếu lo ngại lãi suất NH bị cạnh tranh tăng theo |
Theo HNX, đỉnh điểm của hoạt động huy động vốn TPCP đã xảy ra vào thời điểm tháng 5/2016. Theo đó, 13 phiên giao dịch của tháng này, Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 43.400 tỷ đồng TPCP, tăng 43,1% so với tháng 4. Trong năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu huy động 100.000 tỷ đồng từ trái phiếu kỳ hạn 5 năm, tuy nhiên chỉ sau 5 tháng con số huy động từ loại trái phiếu kỳ hạn này đã đạt mức 96.500 tỷ đồng. Trong phiên đấu thầu ngày 8/6, dự kiến sẽ có 7.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm được tung ra. Như vậy, khả năng vượt mục tiêu huy động từ loại trái phiếu này là hoàn toàn có thể xảy ra vào trung tuần tháng 6/2016.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng mặc dù nhu cầu TPCP các kỳ ngắn hạn (3-5 năm) vẫn khá cao từ sức mua lớn của các NHTM. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ hạn chế dần vào các tháng cuối năm và khả năng Bộ Tài chính sẽ rải bán đều 30% số lượng TPCP còn lại cho từng tháng chứ không bán ồ ạt như thời gian qua.
Từ góc độ các NHTM cũng có thể nhìn thấy rằng, trong 5 tháng vừa qua, hoạt động mua, đầu tư TPCP đã lên mức cao nhất. Thực tế, chỉ tính đến hết quý I/2016, Vietcombank đã dùng khoảng 86.300 tỷ đồng để đầu tư vào TPCP. Nếu so với tổng nguồn vốn ngắn hạn của NH này là 504.300 tỷ đồng thì tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu đã đạt 17,11%, cao hơn 2,11% so với room cho phép của Thông tư 36 trước đó.
Trong khi đó, BIDV cũng có mức đầu tư vào TPCP là 134.400 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,8%, cao hơn 6,8% so với quy định tại Thông tư 36. Vì thế ngay cả khi được tăng tỷ lệ mua, đầu tư TPCP lên mức 25% thì từ trong 8 tháng cuối năm 2016, Vietcombank cũng chỉ còn trên dưới 40.000 tỷ cho đầu tư trái phiếu và con số này của BIDV thấp hơn, chỉ ở mức 19-20 ngàn tỷ đồng.
Cơ hội đẩy vốn ra thị trường
Trên lý thuyết, việc tăng tỷ lệ vốn được mua đầu tư vào các loại giấy tờ có giá cho các NHTM lớn sẽ gây áp lực cạnh tranh vốn trên thị trường 1 của hệ thống NH, từ đó làm cho lãi suất huy động tăng theo. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, trong các tháng tới sức ép của trái phiếu lên lãi suất huy động sẽ không mạnh bằng các tháng đầu năm.
Luận điểm này, như trình bày ở trên được giải thích rằng nguồn cung TPCP các kỳ ngắn hạn sẽ không còn nhiều. Thêm vào đó, các phiên đấu thầu TPCP gần đây lãi suất đang có xu hướng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. (Chẳng hạn lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm trong phiên đấu thầu ngày 18/5 đạt mức 6,14%, giảm 0,15% so với phiên liền trước; tiếp đó, phiên đấu thầu ngày 1/6 mức lãi suất giảm về 6,1%, thấp hơn 0,08% so với phiên ngày 26/5).
Việc này cho thấy những lo ngại ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung cũng như việc chèn lấn nguồn vốn dài hạn khả dụng cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh của khối DN được giải tỏa phần nào.
Lãi suất TPCP các kỳ hạn đang có xu hướng giảm so với các tháng đầu năm 2016 |
Ngoài ra, cũng có thể nhận định rằng trong bối cảnh 5 tháng đầu năm mức độ tăng trưởng cho vay của hệ thống NH chậm hơn so với mức tăng trưởng huy động. Cụ thể, đến cuối tháng 4/2016 tín dụng nội và ngoại tệ của toàn hệ thống TCTD tăng 3,57% so với cuối 2015, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động tăng khoảng 4,5%. Khi vốn tín dụng chưa tiêu hao nhiều vào nền kinh tế và các NHTM dư thừa nguồn vốn tăng đầu tư vào TPCP là dễ hiểu.
Tuy nhiên, bước sang nửa cuối năm 2016, thị trường tín dụng sẽ được kích thích bởi nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020; NHNN cũng đã kéo giãn lộ trình điều chỉnh dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản và mở cửa cho vay ngoại tệ trở lại với nhóm DN xuất khẩu.
Chính vì thế trong các tháng tới, mức cầu TPCP có thể sẽ vẫn cao nhưng các NHTM sẽ cân nhắc và thận trọng hơn trong việc đầu tư bởi họ sẽ phải xem xét trên cơ sở so sánh lợi nhuận và mức độ rủi ro giữa đầu tư trái phiếu và cho vay vốn vào các lĩnh vực có khả năng tăng trưởng mạnh. Bởi thực tế hiện nay, với mức lãi suất TPCP kỳ hạn 3 năm là 5,32%/năm, kỳ hạn 5 năm là 6,1%/năm thì việc huy động tiền từ dân cư ở mức 6-6,5%/năm hoặc vay vốn trên thị trường mở (OMO) để đầu tư TPCP đã không còn tạo ra mức chênh lệch lớn cho các NHTM.