Nông sản sạch - đòi hỏi tất yếu
Ảnh minh họa |
Từ lợi ích của người dân, DN
Trên thực tế thời gian qua, tốc độ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là thấp hơn so với công nghiệp và dịch vụ. Ngành nông nghiệp vẫn dừng lại ở những sản phẩm truyền thống, ít giá trị gia tăng, công nghệ chế biến lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, xu hướng sử dụng các chất độc hại trong nuôi trồng, bảo quản chế biến đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Việc hàng loạt các hộ nông dân sử dụng chất bảo quản, thuốc tăng trưởng mà báo chí nêu lên thời gian qua đang phản ảnh thực trạng sử dụng tràn lan chất cấm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vì vậy, để có thể hội nhập nền kinh tế quốc tế thì việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để phát triển nhân rộng các mô hình.
Không ai có thể phủ nhận được vai trò của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp nông thôn. Đảng và Nhà nước cũng khẳng định và dành sự ưu tiên cao cho việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động, các lĩnh vực của nền kinh tế nói chung, và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng.
Hiện nhiều giải pháp lớn đã được đề ra như tăng kinh phí cho các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp nông thôn, tăng mức chi khuyến nông hàng năm, khuyến khích các DN đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp… nhưng kết quả vẫn chưa cao.
Sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, tự phát, sản phẩm làm ra giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao, xuất khẩu lượng nhiều nhưng giá trị ít và không xây dựng được thương hiệu đáng kể trên trường quốc tế.
Trước thực trạng đó, để thúc đẩy nền nông nghiệp nông thôn ứng dụng khoa học công nghệ cần sự vào cuộc của cả nhà nước, người dân và ngành Ngân hàng. Ở thời điểm này, công nghệ phục vụ nông nghiệp nông thôn cần trước tiên tập trung vào việc giúp người tiêu dùng và cộng đồng phân biệt được sản phẩm sạch và sản phẩm bẩn.
Vì vậy, các nghiên cứu và ứng dụng cần chỉ rõ tác hại của việc sử dụng các sản phẩm bẩn nuôi trồng không đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng chất cấm có hại như thế nào đối với sức khỏe con người. Bên cạnh nỗ lực của Nhà nước trong việc cấm nhập khẩu, sử dụng chất cấm, chất độc hại trong nuôi trồng, thì các sản phẩm công nghệ giúp DN và người tiêu dùng nhận diện và tẩy chay sản phẩm bẩn là hết sức quan trọng.
Ví dụ, để phát triển sản phẩm sạch thì DN thực hiện nuôi trồng theo công nghệ sạch và tổ chức bao tiêu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng; chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình nuôi cấy, các quy trình kiểm định…
Và điều quan trọng hơn là chính tay người tiêu dùng có thể kiểm nghiệm độ sạch của các sản phẩm rau quản, thực phẩm. Thị trường nông sản nhờ đó mới nâng cao được sức cạnh tranh. Nếu không phát triển theo hướng nông sản sạch thì nông sản Việt sẽ thua ngay trên “sân nhà”, chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Đến tham vọng vươn ra thế giới
Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và công bố Chương trình “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch”. Sự kiện này nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn tới người tiêu dùng, giới thiệu những địa chỉ bán nông sản đã được kiểm soát ATTP, đồng thời khuyến khích người nông dân, DN, các cơ sở sản xuất, chế biến… thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm sản phẩm nông sản an toàn.
Tại buổi công bố Chương trình truyền thông “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch” đã có 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi. Đây là bước khởi đầu trong việc giới thiệu sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi và là nơi tin cậy để người tiêu dùng tìm cho mình những nông sản an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe.
Có thể nói, để có được mô hình sản xuất, cung cấp và bao tiêu sản phẩm khép kín mà mục đích là để bảo vệ thương hiệu và chất lượng sản phẩm của chính mình làm ra, và kiểm soát được chất lượng từ khâu sản xuất, bảo quản đến chế biến và bán ra, cần một sự đầu tư rất lớn.
Theo đó, bên cạnh tạo dựng cơ sở vật chất, công nghệ, cải tạo điều kiện sản xuất và nuôi, trồng chế biến thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng đóng vai trò không nhỏ… Đây là sự đầu tư dài hạn và cần nguồn vốn lớn. Chính vì vậy, vai trò của ngành Ngân hàng lúc này là rất quan trọng.
Ngân hàng với tư cách là người cho vay thương mại trước hết cần nhìn thấy, đó là xu thế tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, để từng bước nghiên cứu, đánh giá, thẩm định phương án, dự án, đề ra các điều kiện cho vay phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay DN và người dân tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng bởi những hạn chế về tài sản thế chấp, thủ tục…
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Hiệu, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN), cần hình thành “ngân hàng xanh” trong lĩnh vực nông nghiệp, vì chính sự đầu tư này cũng góp phần “xanh hóa” nền sản xuất nông nghiệp. “Ngân hàng xanh” không nhất thiết phải thiết lập một thể chế riêng biệt, mà có thể lồng ghép vào ngay trong các chương trình của các TCTD.