Ông Nguyễn Đức Hưởng thôi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank
Ông Nguyễn Đức Hưởng đang chăm sóc cây mắc ca |
Tại Đại hội lần này, LienVietPostBank thông qua việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT và ông Phạm Hải Âu - Trưởng Ban Kiểm soát. Tuy nhiên, việc thay đổi nhân sự này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của LienVietPostBank.
Dù không giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn tham gia hoạt động của LienVietPostBank với vai trò cố vấn cao cấp. Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong thời gian tới.
Phía LienVietPostBank cũng để ngỏ một khả năng khi thông báo nêu rõ: Ông Nguyễn Đức Hưởng cũng có thể biệt phái nhận nhiệm vụ mới từ phía NHNN(nếu có).
Đồng thời Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã tiến hành họp để bầu Ông Nguyễn Đình Thắng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và cụ thể hóa phân công nhiệm vụ của Hội đồng Quản trị nhằm triển khai mô hình quản lý mới của LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh năm 1962 tại Phú Thọ và đã gắn bó với ngân hàng từ những ngày đầu thành lập. Ông Hưởng được biết đến là con người dám nghĩ, dám làm với nhiều phát ngôn ấn tượng và chính sách táo bạo. Đơn cử, ông là một trong những người khởi xướng kêu gọi DN đầu tư phát triển, hỗ trợ tín dụng phát triển cây mắc ca.
Đối với chính sách lương thưởng cũng vậy. Trong khi các ngân hàng có xu hướng cắt giảm, tiết giảm chi phí, thì chủ trương của ông Hưởng nói riêng và LienVietPostBank vẫn kiên quyết thực hiện phương châm sống bằng lương giàu bằng thưởng. Quan điểm của ông là có thực mới vực được đạo. Điều ông quan tâm nhất là hiệu quả công việc. Với khẩu hiệu “cán đích thủy chung với LienVietPostBank, cán bộ nhân viên sẽ giàu.
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Hưởng thông báo tới những cán bộ nhân việc làm việc tốt, hiệu quả cao và gắn bó với ngân hàng trong gần 10 năm qua có thể sẽ được nhận 12 tháng lương, thưởng.
Trước thông tin khá bất ngờ trên, phóng viên đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Hưởng và được biết, ông muốn dành thời gian nhiều hơn tập trung phát triển cây mắc ca trên cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ Nông nghiệp sẽ sát cánh với Hiệp hội mắc ca và cùng các chuyên gia, nhà khoa học, DN để triển khai có hiệu quả chương trình trồng mắc ca.
“Các đồng chí ở Hiệp hội mắc ca và các DN phải tính dài hơi rằng, chúng ta không chỉ đơn thuần sản xuất ra lấy mỗi quả sấy khô bán hoặc xuất khẩu thô. Chúng ta phải tạo ra được chuỗi giá trị chế biến thật sâu, tiến tới tinh dầu và các sản phẩm làm đẹp, làm giàu dinh dưỡng cho con người... Tỷ đô xuất khẩu, tỷ đô giá trị chính là chỗ này đấy”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi mở.
Ông Hưởng cho biết thêm, ngoài tham gia các dự án phát triển mắc ca của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông còn có vườn ươm giống 32 ha tại Pleiku – Gia Lai cây trồng trình diễn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Trong đó có nhiệm vụ ươm giống để làm từ thiện cho nông dân thuộc địa bàn huyện Ya grai và TP. Pleiku.
Ngoài ra, ông Hưởng đang đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho mắc ca ở Tây Nguyên và 1.000 ha mắc ca ở Tây Bắc thí điểm mô hình “biến nông dân thành công nhân”. Cùng với nguồn vốn đầu tư cho vay hơn chục nghìn tỷ đồng của LienVietPostBank, ông Hưởng hy vọng, trong thời gian tới góp phần giúp các hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ phát triển cây mắc ca. Hiện, tổng vốn đầu tư cho mắc ca của LienVietPostBank tại Tây Nguyên là 14.000 tỷ đồng; Tây Bắc khoản 5.000 - 6.000 tỷ đồng.