Phải ngăn chặn từ gốc
Lữ hành trong nước “chống lưng”?
Thời gian qua, lượng khách Trung Quốc đến TP. Đà Nẵng tăng đột biến dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trong đó, nổi lên là vấn nạn hướng dẫn viên (HDV) du lịch “chui”, gây bức xúc trong dư luận… Không chỉ tại TP. Đà Nẵng, mà nhiều địa phương trọng điểm du lịch ở miền Trung như Khánh Hoà hay Quảng Nam, vấn nạn này cũng đang làm đau đầu cơ quan chức năng, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN.
Mới đây, cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đã phải tổ chức buổi họp nhằm tìm giải pháp xử lý tình trạng HDV “chui” người Trung Quốc. Tại đây, nhiều HDV Việt Nam nói tiếng Trung đặt ra câu hỏi: Ai, DN nào đã tiếp tay cho vấn nạn HDV “chui”?
Tình trạng HDV du lịch “chui” để lại những hệ luỵ khó lường |
Thực tế, nếu không có những tiếp tay từ DN lữ hành trong nước, HDV du lịch “chui” đến từ Trung Quốc rất khó để hành nghề tại Việt Nam. Theo nhiều đại diện một số DN du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng, sở dĩ HDV người nước ngoài “có đất sống”, vì vẫn tồn tại một bộ phận người Việt đứng ra làm sitting guide (chỉ đi theo đoàn, nhận nói chuyện với người Việt Nam khi cần, còn việc hướng dẫn chính vẫn là HDV nước ngoài...).
Những công ty lữ hành và một bộ phận HDV hám lợi cố tình tiếp tay, khi cũng có mặt trong đoàn khách nhưng chỉ để làm bình phong, làm “tay đỡ” khi có đoàn thanh tra du lịch đến kiểm tra. Những cá nhân này sẵn sàng trình thẻ, nhận là đang hướng dẫn cho đoàn khách du lịch khi có lực lượng chức năng “hỏi thăm”.
Một HDV tiếng Trung ở TP. Đà Nẵng cho biết, hiện có không ít hãng lữ hành đang sử dụng HDV người Trung Quốc. Đặc biệt, nguy hiểm những người này lại lừa chính du khách Trung Quốc bằng việc mạo danh mình là HDV người Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để được hành nghề HDV du lịch tại Việt Nam, yêu cầu đầu tiên người đó phải có quốc tịch Việt Nam, rồi phải có thẻ hành nghề… Do vậy, những cá nhân không phải công dân Việt Nam mà hành nghề HDV du lịch trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tại TP. Đà Nẵng việc quản lý du lịch còn bất cập, đặc biệt là tình trạng “chống lưng”, hám lợi của một số DN lẫn cá nhân đã và đang khiến vấn nạn HDV du lịch “chui” ngang nhiên tồn tại.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Tại TP. Đà Nẵng ước tính lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến thành phố… Có thể nói Trung Quốc là thị trường khách tiềm năng đối với ngành “công nghiệp không khói” của Đà Nẵng. Thế nhưng, tình trạng HDV du lịch “chui” đang đặt ra cho chính quyền địa phương những khó khăn cần giải quyết.
Được biết, trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện đang có 26 DN lữ hành quốc tế chuyên đón khách từ thị trường Trung Quốc. Trong đó, như đã nói, có một số DN âm thầm tiếp tay cho việc sử dụng người nước ngoài trực tiếp hướng dẫn các đoàn khách quốc tế, trong đó đa phần đến từ Trung Quốc.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Sở luôn ủng hộ, hỗ trợ tối đa những DN làm ăn chân chính, khi DN tuân thủ, hoạt động đúng theo luật pháp Việt Nam quy định. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, ngoài việc cơ quan chức năng trục xuất người vi phạm thì các công ty lữ hành sử dụng người ngoại quốc HDV “chui” sẽ bị tước giấy phép kinh doanh… bất kể ai “chống lưng”.
Đối với các HDV trong nước, tiếp tay cho vấn nạn này sẽ bị tước thẻ hành nghề vĩnh viễn. Chuyện phạt vài triệu đồng, rồi ngày hôm sau họ lại vi phạm sẽ không còn tái diễn...
Trước những diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, phải kiên quyết làm cho được, không thể để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Phải làm trong sạch môi trường du lịch, chống làm du lịch một cách chụp giật làm xấu đi hình ảnh của Đà Nẵng.
Ông Dũng đề nghị Hiệp hội Du lịch thành phố, xây dựng một tiêu chuẩn cụ thể, phổ biến cho các HDV tiêu chí hoạt động, ký cam kết phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã đề ra. Bên cạnh, ngành du lịch nên có một kênh để nắm thông tin thường xuyên, kịp thời từ chính các HDV. Riêng phía các công ty du lịch phải có quy trình quản lý đưa đón khách, quản lý từ khâu xuất nhập cảnh đến lúc khách rời Đà Nẵng.
DN cũng phải ký cam kết, giám sát các hoạt động kinh doanh, nếu sai phạm thì rút giấy phép kinh doanh... Được biết, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành chức năng Trung ương về việc cho phép địa phương thành lập lực lượng cảnh sát du lịch như một số nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên theo nhiều người, bên cạnh những biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng, việc xử lý HDV “chui” cần sự chung tay của cộng đồng, phải được ngăn chặn từ gốc. Đặc biệt, ngay trong đội ngũ những HDV trong nước, cần phải được tuyên truyền, vận động để nói không với những lời mời làm sitting guide. Đồng thời, cung cấp thông tin cần thiết về những trường hợp vi phạm để các cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp xử lý.