Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với MB về triển khai Nghị quyết 19, 35
Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP ban hành ngày 16/5/2016 được đánh giá là chính sách thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển DN.
Theo đó, Nghị quyết đòi hỏi các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước phải đổi mới và cải cách triệt để mọi quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc với MB, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng cần nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của NHNN trên các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để ổn định tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô; đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ về nhiều mặt, nhiều nội dung cho DN, nhất là DNNVV, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính.
Phó Thống đốc khẳng định, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ DN, tuy nhiên, lần cải cách này đòi hỏi cao hơn, rõ rệt hơn, không phải chỉ hô hào chung chung, mà phải có những hỗ trợ cụ thể.
Nhằm triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã xây dựng Kế hoạch hành động, đồng thời, các đơn vị trong toàn hệ thống đã xây dựng Chương trình hành động trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được giao.
Từ định hướng đó, ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB đã báo cáo với Phó Thống đốc và Đoàn công tác kết quả hoạt động của MB trong việc triển khai đồng bộ các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Bộ Quốc phòng để khẳng định vị thế Top 5 NHTM tại Việt Nam về lợi nhuận và hiệu quả, quản trị rủi ro chặt chẽ và thượng tôn pháp luật nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt, tận dụng cơ hội, giúp ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững qua các năm, tạo lập năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế đất nước.
Phó Tổng giám đốc MB, bà Nguyễn Thị An Bình đã báo cáo kết quả triển khai các giải pháp theo Quyết định 1355 của ngành Ngân hàng, cụ thể: MB đã thực hiện tích cực các giải pháp hỗ trợ tín dụng DN như giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NHNN, tập trung cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên; tích cực triển khai chương trình kết nối NH – DN; triển khai các giói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý; tuân thủ các quy định của NHNN về tỷ lệ an toàn, ngoại hối, tỷ giá.
Bên cạnh đó, MB quyết liệt thực hiện những cải cách quan trọng như: Tiến hành đơn giản hóa các thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ, rút ngắn các bước thực hiện của quá trình cung cấp các dịch vụ hành chính nội bộ, cắt giảm số lượng hồ sơ, thành phần hồ sơ, loại bỏ những thông tin không cần thiết trong các mẫu tờ khai của khách hàng.
Trong đó, bà Nguyễn Thị An Bình cho biết, việc cải tiến hệ thống mẫu biểu hợp đồng tín dụng và hợp đồng theo hướng ngắn gọn, giảm thiểu thủ tục khách hàng, giảm tải 53% độ dài của hợp đồng, giảm tải 33% số điều khoản trong hợp đồng, giảm tải 81% số lượng chữ ký của khách hàng cá nhân….
MB đã rút ngắn thời gian giải quyết các khâu trong dây chuyền tín dụng thông qua việc ứng dụng các cải tiến quy trình, sản phẩm, tạo thuận tiện cho khách hàng; triển khai giao dịch một cửa tại các điểm giao dịch, công khai trên trang điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục cấp dịch vụ đối với khách hàng, đồng thời rà soát, cắt giảm các loại phí không hợp lý nếu có; không ngừng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giao dịch, triển khai có hiệu quả cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát chất lượng dịch vụ.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao những nỗ lực của MB trong việc tích cực triển khai chủ trương, chỉ đạo của NHNN bằng những hành động thực hiện cụ thể, thiết thực và việc thực hiện Kế hoạch hành động đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý một số nhiệm vụ MB cần triển khai trong thời gian tới, đó là hoàn thành việc công bố công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất... tạo điều kiện cho người dân, DN có cơ sở lựa chọn các loại hình dịch vụ, chi phí phù hợp, đồng thời có cơ sở để giám sát chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của cả ngân hàng và khách hàng; Rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng để cắt bỏ những thủ tục, giấy tờ, quy định không cần thiết, không hợp lý, rút ngắn chi phí, thời gian giao dịch, giảm thiểu phiền hà.
Đồng thời rà soát lại hệ thống các loại phí nhằm cắt giảm bớt phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng đặc thù, chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp bảo mật... để hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích hiện có và phát triển sản phẩm mới nhằm giảm chi phí giao dịch, minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng;
Thiết lập các kênh thông tin và hoàn thiện cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng để xử lý kịp thời, thỏa đáng các phản ánh, khiếu nại của người dân, DN về chất lượng và giá cả dịch vụ; Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên giao dịch….
Đặc biệt, Phó Thống đốc nhấn mạnh, cần quán triệt nguyên tắc, đẩy mạnh cải cách TTHC, cải tiến các quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật đặc biệt là phải phòng ngừa rủi ro trong việc cung ứng dịch vụ, nhất là lĩnh vực thanh toán, tín dụng, tiền tệ...
Một trong những yếu tố quan trọng khi thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đó là MB cũng như các ngân hàng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về các kết quả đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, về tính ưu việt của các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng… qua đó thể hiện nỗ lực và cải cách của Ngân hàng TMCP Quân đội nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung.
Phó Thống đốc đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc, đề xuất của MB đồng thời khẳng định, việc MB thực hiện tốt Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhằm thực hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong thời gian tới.