QTDND Tân Hà: Tựa vào Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ thành viên
Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND | |
Thiết chế và trợ lực đưa QTDND về đúng quỹ đạo | |
Vì sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND |
Nếu như cách đây vài năm, nông nghiệp công nghệ cao còn khá lạ lẫm với người dân xã Tân Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thì đến nay, các mô hình nhà lưới, nhà kính đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều với hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với vị trí trung tâm cụm 6 xã vùng Lán Tranh, sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tân Hà hứa hẹn sẽ kéo theo sự phát triển tại các xã khác. Trong những bước chuyển kinh tế ấy có sự trợ lực không nhỏ từ QTDND Tân Hà dù chỉ mới đi vào hoạt động trong 5 năm gần đây.
NHHT luôn là điểm tựa cho sự phát triển của các QTDND |
Là vùng đất mới khai hoang, tầng dầy canh tác lớn, độ phì cao, điều kiện khí hậu thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thực sự là thế mạnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của xã Tân Hà. Song dù mảnh đất này đã nổi tiếng với 2.500 ha cà phê và thu nhập của nhiều hộ dân đã lên tới cả tỷ đồng/năm, nhu cầu sử dụng vốn của người dân vẫn không vì thế mà nhỏ lại cùng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là việc tái canh cà phê, trẻ hóa lại vườn cà phê đang độ già cỗi. Trong bối cảnh ấy, QTDND Tân Hà được đi vào thành lập cuối năm 2012 và chính thức đi vào hoạt động năm 2013.
Tuy nhiên, việc phát triển QTDND không hề dễ dàng khi ngoài kia là cuộc đổ bộ của hệ thống các TCTD vào khu vực nông nghiệp nông thôn. Chính vì vậy, để có thể đi vào vận hành hoạt động cũng như có thể trợ lực người dân trên chính quê hương mình, Hội đồng quản trị quỹ và Ban điều hành đã bám sát mục đích tôn chỉ của hoạt động QTDND, kết nối với người dân trong xã, sau này thêm hai xã liền kề tạo nên sức mạnh của tập thể trong việc huy động vốn, từ đó tương trợ từng thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống.
Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn 3 xã Tân Hà, Liên Hà và Hoài Đức, QTDND Tân Hà không chỉ củng cố thêm niềm tin với thành viên, tuyên truyền các ưu thế, lợi thế để vận động bà con tham gia QTDND mà quan trọng hơn, quỹ đã bám sát các kế hoạch phát triển kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của từng địa phương để từ đó có thể tư vấn nguồn vốn cũng như phương thức quản lý và sử sụng vốn tốt nhất cho các thành viên. Lợi thế gần dân sát dân giúp cán bộ quỹ hiểu được từng nhu cầu vốn cũng như gia cảnh của thành viên, linh hoạt trong đáp ứng vốn nhanh và kịp thời cho thành viên.
Cũng chính bởi vậy, ngay trong năm đầu tiên, quỹ đã đưa mức dư nợ của mình lên hơn 21,8 tỷ đồng và một năm sau đó, con số này đã tăng gấp 3 lên 68,732 tỷ đồng. Hiệu ứng sử dụng vốn trong cộng đồng cùng thái độ phục vụ đúng với tinh thần của một TCTD hợp tác mang tính tương trợ đã gieo vào lòng thành viên một niềm tin với quỹ để rồi từ đó, được nhân rộng ra những người dân khác trên địa bàn. Đây cũng là lý do chỉ sau 4 năm hoạt động, dư nợ của quỹ đã lên đến con số gần 100,5 tỷ đồng và số thành viên đã vượt qua con số 950. Một con số mà nhiều QTDND đang hướng tới và cao gấp 3 lần mức dư nợ bình quân chung của các quỹ trong hệ thống QTDND.
Bên cạnh trụ cột cung ứng tín dụng, những điểm tựa mới cho sự phát triển của quỹ đang dần rõ nét trong bức tranh hoạt động năm 2017. Dịch vụ chuyển tiền điện tử của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) mà QTDND Tân Hà triển khai từ cuối năm 2014 đã phát huy công năng với 16.565 món chuyển khoản với số tiền khoảng 543 tỷ đồng riêng trong năm 2017, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, buôn bán, chuyển tiền cho con đi học của người dân địa phương, cũng như thành viên QTDND Tân Hà. Dịch vụ này đã góp phần tạo nên một khoản doanh thu khá, góp phần vào hiệu quả hoạt động chung của quỹ trong bối cảnh dư nợ tín dụng của quỹ hầu như không tăng so với năm 2016.
Một khoản thu mới không kém phần quan trọng để gia tăng hiệu quả hoạt động của quỹ khi triển khai các sản phẩm dịch vụ mới của NHHT là cho vay hợp vốn. Dù mới triển khai từ tháng 5/2017, song chỉ đến cuối năm, dư nợ cho vay hợp vốn đã lên tới hơn 50 tỷ đồng. Giám đốc QTDND Tân Hà, Lê Ngọc Thông kể lại: “Ngay khi được NHHT giới thiệu, quỹ thấy rằng đây là một sản phẩm rất hay và có lợi cho đơn vị, góp phần giải quyết được khó khăn về nguồn vốn cho QTDND Tân Hà”.
Những trợ lực vốn của NHHT cho QTDND Tân Hà được thể hiện rõ trong tiến trình phát triển của quỹ. Đến nay, dù Tân Hà đã có đến phân nửa người dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm và địa bàn hoạt động của quỹ còn có 2 xã liền kề Hoài Đức và Liên Hà, song trên một địa bàn đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ, tích lũy trong dân cư đang thấp hơn nhu cầu vốn đầu tư. Vì vậy để có thể đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ các thành viên, 5 năm qua QTDND có sự gắn kết chặt chẽ với NHHT chi nhánh Lâm Đồng trong công tác điều hòa vốn.
Điều này nhìn thấy rõ qua con số huy động nguồn vốn khu vực dân cư của quỹ mới đạt 74,731 tỷ đồng cuối năm 2017, song dư nợ của quỹ đạt gần 101 tỷ đồng. Nhìn lại năm đầu đi vào hoạt động, huy động trên địa bàn chỉ đạt 10,34 tỷ đồng trong khi dư nợ cho vay đạt 21,82 tỷ đồng, mới thấy nguồn vốn vay từ NHHT chiếm hơn nửa. Năm 2015, nguồn vốn huy động tại địa bàn không tăng hơn năm 2014 là bao với 29,215 tỷ đồng, song nhu cầu vay vốn của các thành viên được đáp ứng lên tới 68,732 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa nguồn vốn mà NHHT hỗ trợ cho quỹ chiếm hơn 60%, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nhanh và mạnh mẽ của người dân.
Sự hỗ trợ kịp thời về vốn cũng như sản phẩm dịch vụ cho vay hợp vốn của NHHT đã đem đến một bức tranh sinh động hơn về vai trò tương trợ thành viên của quỹ trong năm 2017. Trong khi dư nợ tăng không đáng kể từ 100,5 tỷ đồng cuối năm 2016 lên 100,986 tỷ đồng cuối năm 2017, song cùng với nguồn cho vay hợp vốn của NHHT, quỹ đã đáp ứng được 916 lượt vay của thành viên, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Song song với đó là sự hỗ trợ giúp đỡ về nghiệp vụ chuyên môn và sự quản lý chặt chẽ của chi nhánh NHNN Lâm Đồng đã giúp quỹ gia tăng năng lực hỗ trợ thành viên và đảm bảo mục tiêu phát triển an toàn ổn định. Với 5 thành viên HĐQT, 3 thành viên BKS, 10 cán bộ nhân viên, quỹ luôn tuân thủ, bám sát các văn bản chế độ của NHNN, của NHHT chi nhánh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng trên các mặt hoạt động; luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, thực hiện tốt công các phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro… thực hiện tốt chế độ báo cáo thống kê, báo cáo giám sát hoạt động trên hệ thống CF-emis của NHHT.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa quỹ và NHHT chi nhánh Lâm Đồng nên QTDND Tân Hà đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng của người dân địa phương, hoàn thành tốt công tác phục vụ thành viên phát triển nâng cao đời sống, đi đúng mục tiêu tương trợ thành viên phát triển, Giám đốc Lê Ngọc Thông cho biết.
Không chỉ đáp ứng, tương trợ thành viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, 5 năm qua, quỹ đã đóng góp vào các loại quỹ, ủng hộ các chương trình tại địa phương, xây nhà tình nghĩa và các hoạt động giáo dục tại địa phương số tiền 100 triệu đồng.
Theo định hướng mà huyện Lâm Hà đã đặt ra trong kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, xã Tân Hà được quy hoạch là một trong những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu hướng tới tiếp tục tăng diện tích rau, hoa, nhằm phát huy lợi thế so sánh và nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất. Cũng từ năm 2017, xã Tân Hà đã chỉ đạo mỗi thôn phải xây dựng ít nhất một mô hình liên kết sản xuất, nhóm phát triển cộng đồng gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dòng vốn từ QTDND Tân Hà đang ngày một lan rộng trong các thành viên sẽ hứa hẹn xu thế phát triển kinh tế tốt, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con xã Tân Hà trong thời gian tới. Đây sẽ là những điểm sáng trong định hướng phát triển kinh tế mới không chỉ riêng của Tân Hà mà còn của hai xã hiện QTDND Tân Hà đang hoạt động, cũng như các xã còn lại trong các xã vùng Lán Tranh.