Quản lý vĩ mô nhìn từ thông tin tín dụng
Vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam: Chia sẻ thông tin, hợp tác toàn cầu |
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) nhận định, cần chú trọng công tác truyền thông góp phần đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin tín dụng. Qua đó nâng cao hiểu biết của người dân, của xã hội về hoạt động thông tin tín dụng; đặc biệt là các khách hàng vay cá nhân, các TCTD nhỏ như các QTDND cơ sở, các tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng trước đây chưa thực sự chú trọng sử dụng báo cáo thông tin tín dụng trong việc đánh giá rủi ro khách hàng vay.
Các sản phẩm thông tin tín dụng của CIC cung cấp đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các đơn vị |
Trong thời gian qua, CIC đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị báo chí, truyền hình khác nhau thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị và talk show truyền hình để tuyên truyền phổ biến về hoạt động thông tin tín dụng.
Theo đó, các đơn vị tham gia hệ thống thông tin tín dụng cần khai thác triệt để nguồn báo cáo liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro tín dụng; khách hàng vay cần phải hiểu về quyền được khai thác thông tin tín dụng, điểm tín dụng liên quan của bản thân, từ đó nâng cao tỷ lệ biết và tra cứu thông tin từ CIC, góp phần tăng cường tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng, ông Đỗ Hoàng Phong cho biết thêm.
Bên cạnh đó, CIC cũng đã bắt đầu triển khai phương pháp xếp hạng tín dụng mới, phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của NHNN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là cơ sở để trung tâm có thêm sản phẩm dịch vụ chất lượng hỗ trợ cho các TCTD trong việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II theo lộ trình. Nhiệm vụ có tính chất quyết định đến các hoạt động cung cấp thông tin của CIC chính là xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
Kết quả đến nay, có 119/119 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.015 Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô gửi file báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định. Tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia là trên 27,5 triệu khách hàng vay.
Việc thu thập, xử lý, chỉnh sửa thông tin đều được thực hiện theo đúng quy trình, được giám sát chặt chẽ theo quy định về xử lý và bảo mật thông tin. Các loại thông tin về hồ sơ pháp lý, hợp đồng tín dụng, thẻ tín dụng, tài chính doanh nghiệp, TSBĐ... đang từng bước được rà soát và nâng cao chất lượng theo các chỉ tiêu thông tin, đặc biệt là những chỉ tiêu thông tin phụ chưa được quan tâm thu thập trong những năm trước đây.
Ngoài ra, CIC cũng đã phối hợp và thu thập thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), hoàn thành xây dựng Cổng thông tin vay và trả nợ nước ngoài của Vụ Quản lý ngoại hối, hỗ trợ nhập và xử lý dữ liệu gần 3.000 doanh nghiệp vay và trả nợ nước ngoài; thu thập thông tin từ trên 20 tổ chức tự nguyện ngoài ngành....
Hỗ trợ công tác quản lý
Thông tin tín dụng là một yếu tố rất quan trọng trong công tác quản lý vĩ mô. Ví dụ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tín dụng cho bất động sản từ năm 2010 bằng cách thắt chặt các điều kiện mua nhà – HPR (Home Purchase Restrictions) và hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, các NHTM tại Trung Quốc sẽ phải ngừng cho vay đối với 78 công ty nhà nước (SOEs) mà ngành nghề hoạt động chính không phải là bất động sản, các SOEs này cũng phải rút dần khỏi thị trường sau khi những dự án hiện tại hoàn tất. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ không được cho các công ty xây dựng vay tiền nếu như các công ty này không đủ điều kiện về vốn, giấy phép và thậm chí đòi lại các khoản vay (reclaim loans) nếu các công ty chỉ giữ đất chứ không xây nhà.
Ông Đỗ Hoàng Phong, cho biết, CIC cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ban lãnh đạo NHNN về tình hình tăng trưởng tín dụng và biến động nợ xấu của các TCTD; cung cấp hàng trăm lượt báo cáo cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng các báo cáo dư nợ của cổ đông và những người liên quan, các thành viên sáng lập của các TCTD; Báo cáo tổng hợp về khách hàng có nhiều nhóm nợ tại các TCTD; Báo cáo tổng hợp dư nợ Tập đoàn, Tổng công ty…; Cung cấp cho Vụ Tín dụng chuyên ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ các báo cáo tổng hợp về tín dụng theo ngành nghề, loại hình khách hàng; bắt đầu xây dựng chương trình phần mềm để tạo lập báo cáo cho Vụ Ổn định tiền tệ tài chính...
Từ tháng 7/2015, CIC bắt đầu cung cấp cho Ban Lãnh đạo NHNN báo cáo tổng hợp dư nợ theo Thông tư 02 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý nợ xấu của các TCTD. Ngoài ra, CIC còn cung cấp các báo cáo thông tin tổng hợp khác cho các đơn vị NHNN, Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố phục vụ cho hoạt động đánh giá, phân tích tình hình hoạt động tín dụng của các TCTD theo địa bàn, vùng miền… Các sản phẩm thông tin tín dụng của CIC cung cấp ra đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các đơn vị, ông Phong cho biết thêm.
Đối với chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, CIC tiếp tục có kiến nghị Ban Lãnh đạo NHNN đề xuất đưa vấn đề hợp tác trao đổi thông tin ngoài ngành thành mục tiêu cần ưu tiên, tập trung chỉ đạo trong năm 2017, đặc biệt thông tin từ các đơn vị dịch vụ tiện ích trực thuộc các bộ, ngành sau: Bộ Thông tin Truyền thông (cơ quan chủ quản các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Mobifone); Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của Tập đoàn Điện lực); Bộ Quốc Phòng (cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel); các đơn vị dịch vụ công cộng như nước sạch, truyền hình cáp…
Việc trao đổi để đi đến một thoả thuận thống nhất về chia sẻ thông tin ngoài ngành rất khó khăn nếu chỉ thực hiện ở các đơn vị trực thuộc cấp thấp. Do đó, CIC đã đề nghị Ban Lãnh đạo NHNN đề xuất Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan nhằm nâng cao tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh vì mục tiêu chung của quốc gia.