Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam: Chia sẻ thông tin, hợp tác toàn cầu
Tín dụng ngân hàng đang chảy vào đâu? | |
Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam: Góp phần khơi nguồn tín dụng |
Ông Đỗ Hoàng Phong |
Để hiểu rõ hơn về hội thảo này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC.
Được biết Hội thảo trao đổi TTTD xuyên biên giới là một sự kiện bên lề của APEC Việt Nam 2017, dự kiến tổ chức vào ngày 16/5/2017 tới đây tại Ninh Bình. Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã dẫn đến ý tưởng tổ chức hội thảo với chủ đề này và vai trò của CIC trong hội thảo?
Trong những năm gần đây, chủ đề chia sẻ, trao đổi TTTD giữa các nước (gọi tắt là trao đổi TTTD xuyên biên giới) nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận của các chuyên gia trong các kỳ Hội nghị TTTD toàn cầu (WCCR) và trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực TTTD trên toàn thế giới. Hoạt động trao đổi TTTD xuyên biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách ở mỗi quốc gia, các tổ chức quốc tế, hay các chuyên gia kinh tế đều đặc biệt chú trọng đến việc tạo lập môi trường, hoàn thiện các điều kiện cần và đủ để có thể thúc đẩy việc trao đổi TTTD xuyên biên giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, đặc biệt khi trao đổi TTTD xuyên biên giới cũng là một giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Với vai trò là nước chủ nhà của APEC 2017, Hội đồng APEC Quốc gia đề xuất 7 sáng kiến xuyên suốt các chuỗi sự kiện diễn ra trong năm, trong đó có 2 sáng kiến của NHNN và chủ đề trao đổi TTTD xuyên biên giới là 1 trong 2 sáng kiến được Ban Lãnh đạo NHNN lựa chọn và đề xuất lên Hội đồng APEC Quốc gia.
Sau khi được lựa chọn và phê duyệt là 1 trong 7 sáng kiến của APEC Việt Nam năm 2017, chủ đề trao đổi TTTD xuyên biên giới được Thống đốc NHNN giao cho CIC và Vụ Hợp tác Quốc tế cùng phối hợp làm đầu mối tổ chức Hội thảo bên lề Hội nghị Quan chức tài chính Cấp cao (SFOM) được tổ chức vào tháng 5/2017 tại Ninh Bình.
CIC dưới sự tư vấn và phối hợp của các tổ chức quốc tế như IFC, WB… đã xây dựng nội dung chương trình hội thảo, trong đó hướng tới đối tượng đại biểu tham dự đến từ các Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế APEC, cơ quan lập pháp, các công ty TTTD công và tư của 21 nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực TTTD và pháp lý nhằm tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ và thúc đẩy một chuẩn mực về dữ liệu, đồng bộ về khuôn khổ pháp lý để từng bước song phương, đa phương trao đổi TTTD giữa các nền kinh tế APEC.
Hoạt động trao đổi TTTD xuyên biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu |
Việc chia sẻ thông tin xuyên biên giới sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho cả ngân hàng, DN và người dân?
Toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng trên toàn thế giới, toàn cầu hóa tác động trực tiếp sâu rộng tới các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của các nước trong đó có lĩnh vực thông tin.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…
Trong đó, chúng ta tham gia vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối quý I/2017, có 23.071 dự án đầu tư nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Những lợi ích mà nguồn vốn FDI mang lại là rất lớn, nhưng song song với nó là những mặt trái của nó, ví dụ: xuất hiện một số DN ma, hoặc những DN có tình hình tài chính yếu kém, độ tín nhiệm thấp lợi dụng chính sách ưu đãi để thực hiện đầu tư, dẫn đến những dự án có công nghệ lạc hậu gây tác hại đến môi trường, các hoạt động lừa đảo đầu tư, rửa tiền...
Một trong những nguyên nhân đó là sự thiếu hụt về thông tin để đánh giá trước khi hợp tác đầu tư. Khi đầu tư ra nước ngoài, DN Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự.
Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng dẫn đến làn sóng dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Những lao động này đa số làm ăn dài hạn, do vậy nhu cầu tiếp cận tài chính và sử dụng các dịch vụ tài chính cũng không ngừng tăng lên.
Từ những lý do trên, vấn đề trao đổi thông tin xuyên biên giới là một nhu cầu bức thiết đối với Việt Nam và các nước trên thế giới để đạt được mục tiêu đánh giá, tìm hiểu đối tác kinh doanh, hợp tác đầu tư; ngăn ngừa và hạn chế rủi ro và giúp cho chính các DN, cá nhân trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ở nước ngoài.
Theo ông đâu là thách thức lớn nhất mà các quốc gia gặp phải khi chia sẻ thông tin xuyên biên giới?
Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ TTTD hiện chỉ đang cung cấp dịch vụ cho các đối tượng/đơn vị khai thác nội địa, trong phạm vi quyền hạn pháp lý cụ thể, và được quản lý bởi các quy định pháp luật về hoạt động TTTD cụ thể hoặc theo bộ quy tắc ứng xử.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam có hai rào cản lớn nhất trong hợp tác chia sẻ thông tin xuyên biên giới. Đó là khuôn khổ pháp lý, và các vấn đề liên quan đến chuẩn mực dữ liệu. Cụ thể như ở Việt Nam, hiện chưa có quy định về khung pháp lý cho việc chia sẻ thông tin xuyên biên giới.
Việt Nam cũng chưa có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân riêng biệt, mà chỉ được đề cập tương đối ít ỏi trong một vài quy định như Bộ Luật dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử 2005; Bộ luật hình sự năm 1999; Luật An toàn thông tin mạng 2015…và các luật chuyên ngành. Hiện nay vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nội dung này.
Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa cũng có thể tác động đến hoạt động trao đổi thông tin xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thực tiễn về hoạt động trao đổi thông tin xuyên biên giới còn ít; chưa có đúc kết được một mô hình trao đổi thông tin hiệu quả, phổ biến và thành công.
Trong khi đó, hoạt động TTTD là một hệ thống có sự tham gia của nhiều bên (các nhà hoạch địch chính sách, tổ chức hoạt động TTTD, các tổ chức tài chính tín dụng, người vay). Điều này cũng tác động vào niềm tin xây dựng được một hệ thống trao đổi thông tin thành công giữa các nước, nền kinh tế có nhiều khác biệt.
Vậy các quốc gia cần phải làm gì để vượt qua những thách thức chung cũng như thách thức riêng của mỗi quốc gia? CIC nói riêng đang nỗ lực vượt qua những thách thức đó như thế nào thưa ông?
Từ việc nhận thức rõ sự cần thiết của việc trao đổi TTTD xuyên biên giới, trước hết mỗi quốc gia cần phải sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc trao đổi TTTD xuyên biên giới, đó là cho phép chuyển dữ liệu ra khỏi phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh, cũng cần hoàn thiện các quy định liên quan đến an ninh, bảo mật dữ liệu, đảm bảo dữ liệu được an toàn trong quá trình trao đổi.
Các quốc gia có thể trao đổi song phương hoặc đa phương và cùng đi đến một thỏa thuận chung về quy trình trao đổi TTTD dựa trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng nhằm tạo thuận lợi cho nhu cầu về tiếp cận TTTD của tổ chức tín dụng mỗi nước.
Đồng thời, theo tôi, các quốc gia cũng nên tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế về định hướng chung về cách thức chia sẻ thông tin (quy trình yêu cầu và cung cấp, sự đồng thuận), ngôn ngữ và thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh khi thực hiện trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ TTTD.
Ông có gửi gắm gì đến các đại biểu tham dự hội thảo lần này? Hội thảo lần này sẽ mang đến cơ hội như thế nào đối với các thành viên APEC?
Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam và các quốc gia liên quan đến trao đổi thông tin xuyên biên giới còn chưa đầy đủ, tôi hy vọng những chia sẻ của các chuyên gia trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực báo cáo tín dụng sẽ giúp các Ngân hàng Trung ương và các trung tâm TTTD công, tư tại các nền kinh tế thành viên APEC có thêm những kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình chia sẻ thông tin tại các khu vực khác, đồng thời sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chuẩn hóa các nội dung hoạt động để có thể tiến tới đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương về trao đổi TTTD xuyên biên giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!