Quản lý vốn Nhà nước: Mấu chốt vẫn là con người
Siêu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: “Lo” nhiều hơn “được” | |
Mô hình nào cho “siêu uỷ ban” quản lý vốn? | |
Quản lý vốn Nhà nước: Tránh leo phải cành cụt |
Đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tổng hợp các ý kiến công khai cho tới nay, có thể nói xu hướng quan ngại đang áp đảo quan điểm đồng tình đối với mô hình này.
Những băn khoăn lớn
Có rất nhiều lý do để viện dẫn cho những lo ngại của giới chuyên gia và một số cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Trước hết, chuyển giao toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty lớn về một cơ quan sẽ tạo ra một “trung tâm quyền lực” quá mạnh, khó có thể kiểm soát được, dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Đồng thời, việc thành lập và chuyển giao DN về cơ quan chuyên trách sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN mà các bộ hiện đang thực hiện.
Sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước đang là bài toán khó giải |
Một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng, thành lập cơ quan chuyên trách này sẽ làm tăng biên chế Nhà nước, đi ngược lại chủ trương tinh giảm biên chế, ảnh hưởng tới hiệu quả chi ngân sách. Còn nếu vẫn dùng bộ máy cũ, chỉ “nhặt” cán bộ từ các bộ, ban, ngành về để phụ trách thì năng lực điều hành sẽ tương đương trước đây và khó có khả năng hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiều ý kiến cũng hoài nghi về năng lực quản lý, giám sát của cơ quan chuyên trách, cho rằng nhiều bộ cùng tham gia quản lý, giám sát DN vẫn tốt hơn phương án thành lập một cơ quan thực hiện chức năng này…
Đây cũng là những vấn đề đã được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị chắp bút cho bản dự thảo Nghị định thành lập “siêu ủy ban” này nhận diện trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 vừa được công bố.
Theo đó, CIEM cho rằng những khó khăn và thách thức trong việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước chủ yếu đến từ những động thái không muốn thay đổi quyền lực và quyền lợi trong quản lý, giám sát DNNN và vốn Nhà nước tại DN.
Tuy nhiên điểm đáng mừng là so với giai đoạn trước đây, các cuộc thảo luận đã có đồng thuận cao về sự cần thiết của việc thành lập cơ quan chuyên trách, ít nhất về mặt hình thức. Bởi đây là yêu cầu phải thực hiện trong quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Có thể thấy tinh thần chung là vốn và tài sản của Nhà nước cần được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn. Các bộ quản lý ngành còn nhiều vướng mắc và ý kiến khác nhau về lộ trình, bước đi, cách thức thực hiện và thiết kế quy định cụ thể, mà mấu chốt vấn đề chính là sử dụng con người như thế nào?
Và lời giải cần cân nhắc
Đứng trước những luồng dư luận phản biện, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã phải thốt lên: “Có lẽ nhiều người chưa đọc kỹ đề án mà chúng tôi đã trình”. Ông Cung giải thích, đây là cơ quan Nhà nước nhưng không quản lý hành chính mà thiên về chức năng đầu tư vốn.
Theo ông Cung, sở dĩ phải cho cơ quan này một “danh phận” cao hơn trong bộ máy, là bởi vị thế pháp lý và chính trị của cơ quan chuyên trách có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện và mục tiêu thành lập của nó. Kinh nghiệm hơn 10 năm qua cho thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là mô hình thực sự tốt theo thông lệ quốc tế về chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý vốn Nhà nước.
Tuy vậy, theo CIEM, vị thế “thấp” của SCIC làm cho cơ quan này khó “điều khiển” được các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn. Tương tự, một cơ quan chuyên trách nằm trong cơ cấu của một bộ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu độc lập và ngang hàng với các bộ quản lý ngành trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
Vì vậy, CIEM đề xuất cơ quan chuyên trách trong thời gian tới nên là cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ. Trong đó, hình thức cơ quan thuộc Chính phủ là phương án ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, để bảo toàn và tối đa hóa giá trị vốn Nhà nước đầu tư, phương thức hoạt động của cơ quan chuyên trách phải có tính chất về đầu tư kinh doanh, khác xa với phương thức quản lý hành chính của các cơ quan chủ sở hữu hiện nay, trước hết về chế độ hạch toán và công tác nhân sự.
Về lãnh đạo và nhân viên của cơ quan chuyên trách phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư, kinh doanh (cả đầu tư và kinh doanh quốc tế); có các kỹ năng phân tích, đánh giá về đầu tư tài chính, quản trị rủi ro... Không coi họ là công chức Nhà nước, và họ không phải là công chức Nhà nước.
Với yêu cầu cao và rất khác với mô hình hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, vấn đề cần giải quyết là phải tìm giải pháp để nâng cao năng lực của cơ quan này để đủ sức quản lý, sử dụng khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, trong đó tập trung vào vấn đề con người. “Đừng chỉ nhìn trong các bộ, cơ quan Nhà nước, mà phải nhìn ra toàn xã hội, thậm chí toàn thế giới. Và còn phải thấy cả chức năng của một NĐT trong mỗi con người, thậm chí năng lực này giữ vai trò quyết định”, ông Cung nói.
Đồng tình với mô hình này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kể cả vẫn là những con người đó nhưng khi vào bộ máy mới thì họ buộc phải hoạt động cho hiệu quả và phù hợp. Khi đã vào một bộ máy chung thống nhất, với công việc cụ thể cho từng chức danh thì trách nhiệm cá nhân sẽ được xác định rõ ràng. Mô hình này, ít nhất cũng tạo được thay đổi quan trọng là quy trách nhiệm về một đầu mối.