Siêu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: “Lo” nhiều hơn “được”
Mô hình nào cho “siêu uỷ ban” quản lý vốn? | |
Đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN |
Ảnh minh họa |
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó nội dung được dư luận quan tâm nhiều nhất là dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). Theo đó, sẽ có 30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc nhiều lĩnh vực: xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông… đang thuộc sở hữu của nhiều Bộ ngành hiện nay sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý.
Trao đổi với báo chí về vấn đề nêu trên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, việc thành lập Ủy ban là thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, trong đó có nội dung quan trọng là cần tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 cũng nêu nghiên cứu thành lập mô hình cơ quan quản lý vốn tài sản của Nhà nước phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo này còn một số bất cập cần được làm rõ.
Thứ nhất, dự thảo đưa ra mô hình Ủy ban là một cơ quan quản lý nhà nước như vậy sẽ không có gì khác so với hiện nay, mục tiêu tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu sẽ khó được thực thi.
Khi 30 doanh nghiệp này được đưa về Uỷ ban quản, trong khi Ủy ban này thuộc cơ quan hành chính của Chính phủ mặc dù không ban hành văn bản pháp luật nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về báo cáo, tham mưu…
“Trong khi cơ quan quản lý nhà nước bao giờ cũng có độ trễ nhất định vì vậy việc có đảm bảo được mô hình quản trị doanh nghiệp hay không hoặc có cơ chế quản lý khác mô hình doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn”, ông Tiến cho hay.
Thứ hai, mô hình của Ủy ban này vẫn chưa giải quyết triệt để được việc quản lý hiệu quả đồng vốn của nhà nước tại DNNN. Trong khi Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội hướng đến thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản thống nhất nhưng mô hình này chưa giải quyết được điều đó.
Cụ thể, theo dự thảo chỉ có 30 doanh nghiệp lớn ở Trung ương thuộc diện đưa về Ủy ban quản lý, còn các doanh nghiệp ở địa phương sản xuất kinh doanh sẽ không được đưa về đây. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp quốc phòng an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước quản lý…
Thứ ba, theo mô hình này, Ủy ban sẽ thay mặt cho nhiều Bộ, ngành vừa làm công tác quản lý vừa điều hành sản xuất kinh doanh sẽ rất khó. Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu cơ quan này có đủ năng lực để phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau không? 10 năm trước đây, trong giai đoạn đầu hoạt động, bên cạnh việc quản lý hiệu quả vốn đầu tư, SCIC làm cả việc quản lý lao động, sản xuất, kinh doanh dẫn đến không hiệu quả.
Do đó, không nên ôm đồm nhiều việc, SCIC với vai trò là đơn vị quản lý đầu tư chỉ nên quan tâm việc bảo toàn, gia tăng vốn đầu tư. Mặt khác, việc thành lập Ủy ban cùng với khối lượng công việc nhiều như vậy sẽ phải tuyển thêm người đồng nghĩa bộ máy hành chính nhà nước phình thêm trong khi tiền chi hoạt động của cơ quan này là tiền ngân sách.
Thứ tư, theo tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mới đây là phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo hướng thu gọn lại số lượng DNNN chỉ còn khoảng 200. Trong khi, 30 doanh nghiệp đưa về Ủy ban này đều nằm trong diện cổ phần hóa sắp tới. Đến năm 2020 số lượng DNNN sẽ giảm dần như vậy hiệu quả, tính lâu dài về hoạt động của Ủy ban khi đã thành lập ra cần cân nhắc kỹ.
Mặt khác, việc thành lập Ủy ban có thể làm chậm tiến trình cổ phần hóa bởi quá trình tách, chuyển giao doanh nghiệp từ Bộ chủ quản về Ủy ban sẽ mất nhiều thời gian, trong khi đó một số doanh nghiệp có tâm lý không muốn cổ phần hóa sẽ lấy lý do này để dừng lại đợi.
Như vậy, nếu không thể khắc phục được những hạn chế đã nêu trên thì cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và đưa các DNNN về SCIC để tránh lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, vấn đề quan trọng hiện nay là cần thúc đẩy cải cách DNNN để tạo sân chơi bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ đã đề ra.